Làng Hòa Bình - Nơi gieo mầm hy vọng cho trẻ em khuyết tật
Ra đời vào năm 1990, Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trong suốt 35 năm qua.
Lan tỏa yêu thương dành cho những mảnh đời bất hạnh
Đến nay, Làng Hòa Bình đã tiếp nhận, chăm sóc cho hơn 400 trẻ khuyết tật, bặc biệt có163 trẻ đã phục hồi chức năng thành công và trở về sống cùng gia đình. Nhiều trẻ từng được nuôi dưỡng tại Làng đã vươn lên, gặt hái thành công trong cuộc sống, tiêu biểu là vận động viên bơi lội Nguyễn Hồng Lợi, người có nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các giải đấu trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn nhiều em khác đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, Bệnh viện Từ Dũ vẫn duy trì công tác điều trị, giáo dục và hướng nghiệp cho khoảng 32 trẻ khuyết tật nặng tại làng Hòa Bình.

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu thực hiện liệu trình điều trị giúp các trẻ khuyết tật tại làng Hòa Bình.

Em Phạm Thị Thu Thủy, một trong những người con của làng Hòa Bình, đã vượt qua số phận để trở thành giáo viên.
Em Phạm Thị Thu Thủy chia sẻ: “Em đã ở Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) được 15 năm và được các y bác sĩ tại đây nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ để trở thành giáo viên như ngày hôm nay. Đối với em, đây là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và em luôn biết ơn sâu sắc. Em cảm thấy Làng Hòa Bình như ngôi nhà thứ hai của mình, các cô y tá, bác sĩ giống như những người mẹ tinh thần, luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh để em cố gắng vươn lên từng ngày”.
“Một kỷ niệm đáng nhớ là khi em còn học đại học, em gặp vấn đề về sức khỏe. Chính các cô y tá và bác sĩ của Làng Hòa Bình đã hỗ trợ điều trị, giúp em hồi phục để tiếp tục việc học tập. Điều này đã trở thành động lực mạnh mẽ, thôi thúc em và các bạn đang sinh sống tại đây luôn phải nỗ lực hết mình để không phụ lòng mong mỏi của các y bác sĩ. Giờ đây, khi đã trở thành giáo viên, em mong muốn mang kiến thức đã học được ở trường, cùng với những năng lượng tích cực từ các cô ở Làng Hòa Bình truyền đạt lại cho các em nhỏ”, Thu Thủy chia sẻ thêm.

Những em bé bị cha mẹ bỏ rơi đang được cưu mang tại làng Hòa Bình.

Từng ngày, những trẻ em khuyết tật ở làng Hòa Bình luôn được các điều dưỡng chăm sóc đủ đầy từ miếng ăn, giấc ngủ.
Anh Nguyễn Đức, một trong hai anh em song sinh Việt - Đức được tách đôi trong ca mổ năm 1988, chia sẻ: "Tôi đã sống ở Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) từ những ngày đầu thành lập. Tôi nhận được sự bao bọc từ các mẹ là các y bác sĩ và điều dưỡng. Giống như các bạn khác, tôi cũng có một cuộc sống bình thường. Đặc biệt hơn, chúng tôi còn được tạo điều kiện cho học chữ, được hòa nhập với cộng đồng và có việc làm. Để đền đáp công ơn chăm sóc của các cô, các mẹ, tôi đã quyết định trở lại làm nhân viên tại Làng Hòa Bình và mong muốn dùng sức lực của mình giúp đỡ những em kém may mắn hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Những người cha, người mẹ Áo blouse trắng
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu, kỹ thuật viên vật lý trị liệu đã gắn bó với Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) được 20 năm, xúc động kể : "Những ngày đầu tiên khi làm việc tại đây, tôi rất ngỡ ngàng, không nghĩ ở đây lại có nhiều em khuyết tật đến vậy. Có những bé chạy lại ôm mình, thật sự lúc đó tôi có phần hơi sợ. Nhưng khi tiếp xúc nhiều với các em, các con, tôi nhận thấy các con ở đây rất cần tình thương. Dần dần, tôi cảm thấy thương các con nhiều hơn và gắn bó với công việc này đến bây giờ".

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Kỹ thuật viên vật lý trị liệu tại làng Hòa Bình, để làm được công việc này, phải có tình yêu thương trẻ em và sự nhẫn nại mới hoàn thành tốt công việc.

Chị Nguyễn Thị Trúc, Điều dưỡng viên tại làng Hòa Bình, với trẻ em bị bỏ rơi tại làng Hòa Bình.

Ngoài việc chăm sóc, điều trị, các em còn được những người mẹ "đặc biệt" dạy học.


Các cán bộ, nhân viên của làng Hòa Bình luôn dành thời gian trò chuyện, quan tâm, chăm sóc các trẻ khuyết tật.

Nhiều em khuyết tật nhờ sự chăm sóc tận tâm của các điều dưỡng viên, đã có thể làm việc, tự nuôi sống bản thân.

Cử nhân Hộ sinh Đoàn Thị Thanh, Phó Trưởng khoa Điều hành Phục hồi chức năng Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) luôn mong mỏi các cháu luôn khỏe mạnh và có thể chăm sóc cho bản thân.
Cử nhân Hộ sinh Đoàn Thị Thanh, Phó Trưởng khoa Điều hành Phục hồi chức năng Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết: "Tôi đã công tác tại Bệnh viện Từ Dũ được 30 năm nhưng gắn bó với Làng Hòa Bình được 12 năm. Ban đầu, tôi làm việc tại khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1995 và rất yêu thích các bé nhỏ, đặc biệt là các bé non tháng. Năm 2012, trong một dịp tình cờ tham gia chuyến công tác đưa các cháu khuyết tật của Làng Hòa Bình sang Hàn Quốc để chăm sóc, tôi có cảm tình với các cháu khuyết tật của làng và sau đó đã xin chuyển sang làm việc tại khoa Phục hồi chức năng của Làng Hòa Bình".
Gần 12 năm qua, chị Thanh xem các cháu nơi đây như những đứa con của mình. Ngoài công tác điều dưỡng, các y bác sĩ tại Làng Hòa Bình còn chăm sóc, dạy dỗ các cháu ăn học như những người cha, người mẹ. Nhờ sự chăm sóc này, nhiều cháu đã thành công trong cuộc sống, nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và học nghề.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, Làng Hòa Bình là một mô hình đặc biệt, hiện chỉ có duy nhất tại một bệnh viện công lập như Từ Dũ. Là bệnh viện phụ sản lớn nhất cả nước với hơn 60.000 ca sinh mỗi năm kể từ sau ngày giải phóng, Từ Dũ không chỉ là nơi đỡ sinh mà còn luôn trăn trở với những số phận đặc biệt, đó là các trẻ sơ sinh mang dị tật, khiếm khuyết hoặc có bất thường bẩm sinh khiến các em không thể hòa nhập với cuộc sống như bao trẻ em khác.
Từ những năm 1980, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, đã có không ít gia đình ngỏ ý muốn gửi lại con mình cho bệnh viện chăm sóc do điều kiện nuôi dưỡng quá khắc nghiệt. Trước thực tế đó, cùng với tinh thần nhân đạo và chủ trương nhất quán của Nhà nước về việc không để ai bị bỏ lại phía sau, Bệnh viện Từ Dũ đã thành lập Làng Hòa Bình vào năm 1990.
Làng không chỉ là nơi lưu giữ tình thương, mà còn là mô hình chăm sóc và điều trị nhân văn cho những đứa trẻ không may mắn. Gần 400 trẻ khuyết tật đã được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây, với sự đồng hành sát sao của chính quyền TP Hồ Chí Minh và ngành y tế thành phố qua nhiều thời kỳ.
Đến ngày hôm nay, Làng Hòa Bình đã tròn 35 năm thành lập và trở thành ngôi nhà chính của các em nhỏ khuyết tật. Hiện tại, 32 trong số 400 cháu từng ở đây đều có hộ khẩu tại 284 Cống Quỳnh, phường Bến Thành. Đây là nơi để các em sinh hoạt và tất cả các hoạt động, chi phí của Làng Hòa Bình đều xuất phát từ nguồn lực tự có của bệnh viện.
Bác sĩ Hải cho rằng, đây là một sản phẩm rất đặc biệt của TP Hồ Chí Minh, một mô hình duy nhất cưu mang, nuôi dưỡng các cháu ăn học, ở và đi làm tại Bệnh viện Từ Dũ.