Còn dạy thêm, học thêm là vì 'chưa đủ'

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, học thêm, dạy thêm trong bối cảnh hiện nay rất ít đem lại giá trị cho sự phát triển con người. Để giảm tình trạng này không thể chỉ duy nhất một giải pháp mà cần giải pháp tổng thể.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hà Nội).Ảnh: NTCC.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hà Nội).Ảnh: NTCC.

Dạy chính khóa hiệu quả sẽ giảm học thêm

Lý giải sự tồn tại của dạy thêm và học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng do chưa đủ. Thứ nhất là lương của giáo viên chưa đủ để sống. Chưa đủ trường lớp để các cháu không phải cạnh tranh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các đô thị, khu đông dân cư. Phụ huynh chưa đủ niềm tin, chưa cảm thấy thỏa mãn khi con mình thành tích chưa cao. Một bộ phận hiệu trưởng, giáo viên chưa hoàn thành trách nhiệm trong dạy học chính khóa. Do quản lý, cơ chế, điều hành còn chưa đủ. Sự đổi mới giáo dục của ngành vẫn còn nhiều việc phải làm mới đáp ứng được... Đó là gốc rễ của vấn đề.

Lâu nay dạy thêm, học thêm là một khâu trong chuỗi hệ thống trang bị kiến thức gồm sách giáo khoa đóng gói kiến thức để chuyển giao, thầy cô là người truyền thụ kiến thức, thi cử là kiểm tra kiến thức và đi cùng với nó là luyện thi, bài mẫu, là văn mẫu, toán mẫu, là học thuộc. Trong khi đó kiến thức nhân loại ngày nay gia tăng không ngừng, việc dạy học theo hướng trang bị kiến thức sẽ khiến giáo dục không đổi mới được và đứng trước nguy cơ thất bại. Dạy thêm, học thêm chính là một khâu “níu kéo” lối dạy học cũ, cản trở sự đổi mới. Thông tư 29 ra đời nhằm giải quyết vấn đề này, làm cho trường học thay đổi, để mở đường cho đổi mới của giáo dục theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Khi đó, sách giáo khoa vẫn là tài liệu dạy học nhưng thầy cô phải chuyển vai trò là người dẫn dắt, hỗ trợ học sinh ngay trong chương trình học chính khóa và phải làm hết trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn học sinh tiếp cận theo cách mới, kết hợp với các trang thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp mới để giải quyết các vấn đề của thực tế.

Bộ trưởng chỉ ra trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các lớp dạy thêm học thêm có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, không phải không có ý nghĩa, nhưng rất ít đem lại giá trị cho sự phát triển con người. “Nếu nhìn chuyện dạy thêm, học thêm từ góc độ hệ lụy mà nó gây ra, chúng ta sẽ thấy rằng cần phải quyết liệt với việc này. Đấy là giáo viên cứ giữ theo thói quen cũ, không có thời gian để củng cố kiến thức. Chương trình giáo dục mới cần giáo viên phải chấm bài, cần phải nhận xét, đánh giá học sinh, cần phải chuẩn bị, cập nhật những phương pháp mới. Nếu cứ mải miết dạy thêm thì sẽ ra sao?” – Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Đối với băn khoăn về việc có cần xem xét liệu kiến thức có quá nặng và cách thức thi cử, kiểm tra, đánh giá có điểm nào chưa phù hợp, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế so với Chương trình 2006 là một thay đổi rất lớn, trong đó đã giảm tải khá nhiều. Nếu so sánh với các Chương trình Giáo dục phổ thông các nước khác đang vận hành, có thể thấy ở các nhóm môn như môn Toán, các môn Khoa học tự nhiên so với các nước Đông Nam Á, chương trình của Việt Nam không nặng hơn. Dẫu vậy, cần tiếp tục có những điều chỉnh đối với những nội dung có tính thực tiễn, tính ứng dụng, có yếu tố phát triển con người ít thì cương quyết bỏ ra để chương trình phổ thông phải tăng tính thực học.

“Trong thời đại công nghệ kỹ thuật đòi hỏi cao, chúng ta chỉ muốn học sinh học nhẹ, chơi nhiều nhưng lại trở thành những con người vĩ đại, chuyện ấy sẽ rất khó khăn” – Bộ trưởng thẳng thắn nêu quan điểm và cho rằng việc kiểm tra, đánh giá, thi cử trong những năm qua đã có một số điều chỉnh theo hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu của Chương trình 2018, giảm những bài có tính chất đánh đố. Nhưng quá trình này cũng phải điều chỉnh từng bước, không thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Chìa khóa tự học và học tập suốt đời

Băn khoăn cũng là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh đó là nếu không học thêm, thành tích của học sinh có bị ảnh hưởng? Đặc biệt, suy nghĩ nếu muốn vào các trường điểm, trường chất lượng cao, trường top đầu không học thêm khó có thể đỗ được khá phổ biến hiện nay. TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định với đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Toán, thí sinh có thể tốt nghiệp bình thường. Còn câu hỏi mà thí sinh không học thêm có giải quyết được đề thi này trọn vẹn hay không cần được nhìn nhận khách quan. Tuy nhiên, những thí sinh thông minh, nắm chắc kiến thức và biết cách tự học có thể làm tốt mà không cần học thêm. Trước đó, TS Dũng cũng chỉ ra rằng học thêm không mang lại nhiều ý nghĩa, phụ huynh không nên bắt con học thêm bằng mọi giá. Học sinh cần đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Gia đình và thầy cô hãy giúp trẻ tìm được lĩnh vực mình yêu thích nhất.

Khảo sát của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố năm 2023 cho thấy học sinh Việt Nam đạt điểm cao trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn (xếp thứ 31/81 về toán học, đứng thứ 2 khu vực ASEAN) nhưng lại yếu về khả năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề thực tiễn (xếp thứ 49/81). Điều này phần nào cho thấy mô hình giáo dục của nước ta hiện vẫn chú trọng việc dạy kiến thức và luyện thi, thay vì phát triển năng lực tư duy và khả năng học tập độc lập.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng chỉ ra kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên hiện còn yếu; việc học còn ỷ lại vào nhà trường và thầy cô. Vì vậy, quyết tâm giảm dạy thêm, học thêm không chỉ là một quy định hành chính, mà là một phần trong lộ trình cải cách giáo dục nhằm phát triển năng lực tự học và tư duy độc lập của học sinh. Dẫu vậy, để hình thành kỹ năng tự học không phải ngày một ngày hai mà phải hết sức kiên trì, bền bỉ; phải hình thành cho các em thói quen tự đọc, hình thành năng lực tự khám phá, tự đặt các câu hỏi, tự tìm vấn đề và giải quyết vấn đề… Tự học là chủ động học nhóm, học thầy, học bạn, học ở mọi nơi thì mới từng bước hình thành phẩm chất và năng lực tự học.

Sau gần 5 tháng Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, ghi nhận tại nhiều địa phương, số lượng lớp học thêm ngoài nhà trường đã giảm đáng kể trong thời gian học năm học chính thức. Vào mùa hè, các lớp học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh và gia đình nên khi học sinh chủ động và tự nguyện đăng ký học, việc học sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, khuyến cáo của các chuyên gia đó là việc học thêm không nên là dạy trước chương trình vì vào năm học, các kiến thức sẽ được dạy lại, học sinh học lại, tạo ra tâm lý chủ quan ở học sinh và độ vênh đáng kể về khả năng tiếp thu trong lớp học chính khóa. Học thêm ở đây nên được hiểu là vì chưa đủ nên phải thêm. Nghĩa là học bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực tư duy, khả năng nghiên cứu khoa học dành cho học sinh xếp hạng khá giỏi hay học phụ đạo, củng cố kiến thức, kỹ năng dành cho học sinh xếp hạng yếu kém.

Các cơ quan quản lý cần kiểm soát tình trạng dạy thêm tràn lan, đầu tư về học thuật, tổ chức giảng dạy chính khóa tốt hơn và phụ huynh cũng cần thay đổi quan điểm, tư duy về việc học. Đó là nội hàm của việc học rất rộng, không chỉ là học kiến thức trong nhà trường mà còn là học cách sống ngoài xã hội, học cách vượt qua khó khăn, học cách chuyển đổi thách thức thành cơ hội… Học để lấy kiến thức, để hiểu biết, học để có kỹ năng làm việc tốt hơn, tạo ra sản phẩm cho xã hội tốt hơn; học không chỉ để hơn mình ngày hôm qua mà còn để không ngừng vươn lên… như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Khi đó, học thêm vì để “không thua con nhà bên cạnh” sẽ không còn đất sống. Học sinh sẽ được khuyến khích học thêm âm nhạc, mỹ thuật, khiêu vũ, thể thao… và tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ngoài nhà trường hiện nay, cần phải dựa vào hệ thống công nghệ, cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải đăng ký trên hệ thống này, trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa, không trùng lặp về yêu cầu cần đạt đã được thỏa mãn trong chương trình GDPT. Các học phần dạy thêm sẽ có những hoạt động học trên hệ thống trực tuyến và có những phần học trực tiếp, nhưng việc đánh giá phải được thực hiện trên hệ thống.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/con-day-them-hoc-them-la-vi-chua-du-10309690.html