Làng hương Đông Khê tất bật vào vụ tết
Tìm đến làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, khắp các ngõ của thôn, đâu đâu cũng ngào ngạt mùi hương, xua tan cái lạnh của những ngày mùa đông giá rét. Trong mỗi sân nhà, người dân đang tranh thủ những ngày nắng để phơi hàng nghìn thẻ hương vừa mới ra lò.
Gia đình bà Đoàn Thị Tiên là một trong những hộ sản xuất hương thủ công tại làng Đông Khê.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương không biết có tự bao giờ, những người đưa nghề về làng cũng không ai nhớ, chỉ biết từ lâu làng đã có nghề làm hương thủ công truyền thống. “Hương ngửi xa, hoa ngửi gần” đó là câu châm ngôn mà người dân làng hương cổ truyền Đông Khê vẫn lưu truyền hàng trăm năm qua cho con cháu. Tuy nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng từ cuối tháng 5 trở đi, không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương, nhộn nhịp hơn. Là một trong số ít những cơ sở sản xuất hương kiên trì theo đuổi phương thức sản xuất thủ công truyền thống, gia đình bà Đoàn Thị Tiên đã có 4 đời gắn bó với nghề làm hương. Đôi tay thoăn thoắt xắp hương ra sân phơi cho kịp nắng, bà Tiên chia sẻ: “Mặc dù hiện nay đã có máy móc hỗ trợ các công đoạn làm hương, nhưng tôi và một số hộ trong làng vẫn giữ cách làm hương thủ công được ông cha truyền lại. Tuy sản phẩm chỉ tiêu thụ mạnh vào một số thời điểm trong năm, thu nhập không ổn định, nhưng nghề đã gắn bó như hồn cốt của làng suốt bao đời nay. Cũng theo bà Tiên, để làm ra một nén hương, không chỉ đòi hỏi nguyên liệu mà còn trải qua nhiều công đoạn, như: đối với tăm hương, vầu sau khi được lấy về sẽ được chẻ thành từng thớ nhỏ; sau đó sẽ dùng thuốc nhuộm để nhuộm chân tăm, phơi khô. Công đoạn tiếp theo rất quan trọng là chạy nhựa; để cây hương có mùi thơm đặc biệt, nhựa phải được làm từ nhựa của cây trám; sau đó được trộn cùng bột than (than vừng, lạc,...) rồi đưa vào cối giã nát. Công đoạn cuối cùng đó chính là “chạy bài” và thuốc chính là loại bột mịn được chiết xuất từ cây bài, mang đến hương thơm đặc trưng. Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương... Sau khi hoàn tất các công đoạn, hương sẽ được mang phơi khô trên phên nứa. Vừa tâm sự, bà Tiên nhanh tay đóng những que hương vào túi để kịp giao cho khách hàng. “Gia đình tôi vẫn giữ cách làm hương thủ công từ công đoạn pha chế màu nhuộm cho đến se hương vì so với cách dùng máy móc, cây hương sẽ tròn hơn, dẻo và không bị gãy; nắng, gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm; khi đốt, hương sẽ cháy đến tận chân hương và tàn hương thì uốn cong rất đẹp”.
Những tháng cuối năm này, do nhu cầu sử dụng hương của người tiêu dùng tăng cao, nên mỗi tháng gia đình bà Tiên cung ứng ra thị trường khoảng hơn 20.000 cây hương, cao gấp 2 lần so với những tháng trước. Cách đây 1 tháng, các đại lý đã liên hệ đặt hàng, mặc dù đã phần nào dự đoán được lượng hương xuất đi nhưng năm nào cũng vậy, càng về giáp tết, công việc càng bận rộn; các hộ sản xuất trong làng ai cũng cố gắng tranh thủ thời gian làm việc để có đủ hương phục vụ khách hàng trong ngày tết.
Ông Lê Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 16 hộ đang duy trì và phát triển nghề làm hương. Bên cạnh những hộ dân sản xuất hương theo phương pháp thủ công thì một số hộ đã đầu tư các loại máy móc để giảm chi phí thuê nhân công. Tuy nhiên, xã luôn khuyến khích các hộ giữ lại nét truyền thống, nét văn hóa cho làng nghề khi sản xuất thủ công để có được mùi thơm đặc trưng của sản phẩm hương Đông Khê. Các loại hương được làm chủ yếu là: hương trăm, hương sào và hương thẻ... Nghề làm hương tuy vất vả, nhưng giờ đây nó không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà đã trở thành hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình còn giữ lại nghề truyền thống và những lao động làm nghề ở đây.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/lang-huong-dong-khe-tat-bat-vao-vu-tet/130988.htm