Lăng kính văn hóa: Chăm lo nghệ nhân thủ công mỹ nghệ

Sau bao năm theo đuổi dòng gốm vuốt tay truyền thống, nhiều lần thất bại tưởng chừng phải bỏ nghề, tâm huyết của nghệ nhân gốm sứ Bùi Thanh Tùng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) được ghi nhận xứng đáng khi anh trở thành một trong 42 nghệ nhân thủ công mỹ nghệ xuất sắc vừa được phong tặng danh hiệu 'Nghệ nhân Hà Nội'.

Bên cạnh huy hiệu, phần thưởng 5 triệu đồng, từ nay, anh Bùi Thanh Tùng và các nghệ nhân Hà Nội được hưởng những chế độ đặc thù, như: Tổ chức dạy nghề và thu tiền học phí; nhận hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn trong nước; được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, hoạt động nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ; tham gia trưng bày, giới thiệu miễn phí các sản phẩm tại hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế...

Sau 15 năm, qua 7 lần xét tặng, 290 nghệ nhân thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô được vinh danh "Nghệ nhân Hà Nội". Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều nghệ nhân đã sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị cao, góp phần tạo sự phong phú cho sản phẩm du lịch của Thủ đô như: Gốm đan mây; các sản phẩm ví, nón, tranh, chén, đĩa được làm từ lá sen; tranh, túi, đồ chơi được làm từ vải vụn; bàn ghế từ mây tre đan... Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 750.000 người. Nhìn rộng ra, cả nước hiện có 2.556 làng nghề thủ công mỹ nghệ, tạo ra các sản phẩm có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm; nhiều sản phẩm cao cấp, tinh xảo trở thành quà biếu, tặng nguyên thủ quốc gia tại các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

 Một xưởng sản xuất tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: CHINHPHU.VN

Một xưởng sản xuất tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: CHINHPHU.VN

Thủ công mỹ nghệ là kết tinh của văn hóa truyền thống, là tinh hoa trí tuệ được cha ông hun đúc, tạo dựng qua hàng nghìn năm lịch sử. Sản phẩm không chỉ tôn vinh giá trị nghệ nhân, làng nghề mà còn là bộ mặt của tổ tiên, là thương hiệu của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, chăm lo cho các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ là chăm lo cho những tài năng của đất nước đang ngày đêm giữ gìn và phát huy hồn cốt dân tộc. Bên cạnh những nghệ nhân được tôn vinh, ghi nhận, vẫn còn nhiều nghệ nhân đang loay hoay với bài toán sinh kế, nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một hoặc bị xóa sổ. Sức ép từ đô thị hóa và các ngành nghề mới có mức thu nhập cao hơn khiến nhiều nghệ nhân không còn mặn mà với nghề truyền thống của ông cha để lại.

Để sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành một mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích tài năng, chăm lo chu đáo cho đội ngũ nghệ nhân. Các cấp chính quyền địa phương cần có chế độ bồi dưỡng, khuyến khích tài năng trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực này. Cần phát huy vai trò của các hiệp hội, làng nghề tại địa phương trong việc huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tài chính tới những dự án đổi mới, sáng tạo; trao thưởng tới các nghệ nhân có sản phẩm xuất sắc. Khi các nghệ nhân sống được với nghề và làm giàu từ nghề, họ mới toàn tâm toàn ý giữ gìn, sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo, mang lại giá trị cao, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

HỮU TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-cham-lo-nghe-nhan-thu-cong-my-nghe-767087