Lăng kính văn hóa: Diễn giả... 'giả'

Trong xã hội, phần lớn những thứ giả đều gây hại cho con người và xã hội. Trong khi hàng giả, thuốc giả, bằng cấp giả... đã có luật pháp trừng trị, thì diễn giả 'giả' dường như chưa có 'thuốc' trị. Câu chuyện mới đây, một khách mời đến nói nhăng nói cuội về khởi nghiệp, có ứng xử phản cảm, phản giáo dục với hàng trăm sinh viên ở Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP Hồ Chí Minh khiến dư luận phản ứng dữ dội. Đó lại là một vấn nạn-nạn diễn giả 'giả'.

Nâng cao kỹ năng sống, mở rộng góc nhìn là nhu cầu chính đáng của nhiều người, nhất là trong xã hội hiện đại. Vì thế, những diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng luôn thu hút sự chú ý của đông đảo tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Những điều các diễn giả chia sẻ thường giúp truyền cảm hứng, thuyết phục khán giả, nuôi dưỡng niềm tin, hướng họ đến những điều tốt đẹp. Bên cạnh những người có tri thức, tràn đầy nhiệt huyết với cộng đồng, trở thành tấm gương, động lực để người khác noi theo, cũng có không ít người chưa đủ tầm nhưng cũng tự gán cho mình danh xưng "diễn giả" để đi “chém gió”.

 Ảnh minh họa/nguồn internet.

Ảnh minh họa/nguồn internet.

Thực hiện công việc trong khuôn khổ pháp luật để phục vụ nhu cầu bản thân không có gì sai, nhưng làm gì cũng phải tuân theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Người nói chỉ được nói những gì mình biết, mình thấy có ích chứ không phải muốn nói gì thì nói, nói những điều tác động tiêu cực đến cộng đồng. Khi bản thân chưa chuẩn, chưa tạo ra giá trị thực cho cộng đồng, thậm chí chưa đạt được thành tựu gì trong cuộc sống thì đừng vội đúc rút kinh nghiệm để rao giảng cho người khác bằng cái nhìn phiến diện. Nếu hàng giả làm suy thoái nền kinh tế, thuốc giả có thể làm chết người thì lời nói dối trá có thể "đầu độc" suy nghĩ, định hướng của cả một thế hệ. Bởi vậy, nghề diễn giả vừa là một nghề tự hào nhưng cũng đầy áp lực.

Trở lại chuyện diễn giả phát biểu ở trường đại học kia, sẽ chẳng có quy định, điều luật nào phạt được anh ta. Tuy đã có những “đấu khẩu” giữa hai bên nhưng ít ra sinh viên cũng thể hiện sự hiểu biết, chững chạc, chín chắn khi tiếp nhận thông tin để kịp thời đưa ra ý kiến phản biện những điều không đúng. Tuy nhiên, không phải môi trường nào, cấp bậc học nào cũng đủ trình độ để ngăn chặn diễn giả tha “rác” vào trường học. Đã có không ít bài học cho các đơn vị khi “nghe đồn, nghe nói, nghe giới thiệu”, hoặc thấy cá nhân đó “nổ” về việc du học nước nọ, là ông này, bà kia mà mời họ đến "diễn thuyết". Làm như thế chẳng khác nào tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội càng thêm ảo tưởng về bản thân, rồi tự biến mình thành "nhà tri thức", "diễn giả"!

Để ngăn chặn vấn nạn này, chỉ có cách đơn vị mời hãy thẩm định hồ sơ nhân thân, xem những bài diễn thuyết trước đây hoặc qua những câu trả lời về một số vấn đề muốn họ trao đổi để ít nhiều có được thông tin, quan điểm của cá nhân ấy. Cùng với đó là trang bị kiến thức, hiểu biết xã hội nhằm nâng cao “bộ lọc” cho người nghe.

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” chỉ những kẻ rỗng tuếch, cố tỏ vẻ hiểu biết, thấy gì cũng bình luận, phê phán cho thỏa mãn cái tôi thiển cận. Những cá nhân kiểu ấy nếu không kịp thời chặn đứng, họ sẽ tiếp tục lan truyền những suy nghĩ nông cạn, đánh giá thiếu tính khoa học về một vấn đề, từ đó làm nhiễu loạn dư luận, gây hoang mang cho những người trẻ đang trên đường định hình tương lai của mình.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-dien-gia-gia-731444