Lăng kính văn hóa: Ngừng 'đốt' niềm tin không có thật

UBND huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa chính thức triển khai việc 'Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã' tại các điểm, khu di tích do huyện quản lý.

Sau hơn một tuần thực hiện, chủ trương này nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân và du khách. Đây không chỉ là một quyết định mang tính hành chính mà còn phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với các phong tục đã không còn phù hợp, nhằm hướng tới bảo vệ môi trường, chống lãng phí và giảm nguy cơ hỏa hoạn.

Đốt vàng mã là truyền thống lâu đời ở nhiều nơi tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Hoạt động mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện lòng kính trọng, tưởng nhớ đối với người đã khuất. Tuy vậy, trong cuốn sách nổi tiếng “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính chỉ nhắc về tục thắp hương, không viết gì về đốt vàng mã.

Ảnh minh họa / vietnam+

Ảnh minh họa / vietnam+

Những năm gần đây, việc đốt vàng mã gây ra nhiều hệ lụy. Sự phát triển của xã hội khiến phong tục này ngày càng trở nên phô trương, biến tướng. Tháng 12-2023, một nhóm người đi lễ ở xã Đồng Tâm (Hải Dương) mang đến 1,5 tấn vàng mã khiến nhiều người kinh hãi về sự lãng phí. Theo thông tin của cơ quan chức năng địa phương, tại Côn Đảo có khoảng 1.600 mâm lễ có đồ vàng mã được đưa đi đốt hằng ngày, khói bụi nồng nặc, vượt quá ngưỡng quy định về môi trường. Mới đây, một phụ nữ ở khu tập thể Thành Công (Hà Nội) bị phạt hành chính 4 triệu đồng vì đốt vàng mã ở cầu thang khu nhà, tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy, nổ.

Trung bình vào dịp lễ, tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 50.000 đến 100.000 đồng để mua tiền giấy, thậm chí có những gia đình tiêu tốn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để mua vàng mã. Theo con số thống kê sơ bộ, mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với gần 5.800 tỷ đồng. Hóa vàng mã mà chẳng khác nào là đốt tiền thật!

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều năm nay cũng khuyến cáo không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó nêu rõ “không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường”. Ngành văn hóa, nhiều cơ sở di tích lịch sử-văn hóa của các địa phương cũng đã khuyến cáo người dân, du khách không nên đốt vàng mã.

Theo quan điểm của Bác Hồ viết trong tác phẩm “Đời sống mới” (xuất bản năm 1947): “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”. Đốt vàng mã tuy không hẳn xấu nhưng rõ ràng là gây phiền phức về mặt kinh tế, sức khỏe, môi trường và không phù hợp với đời sống mới. Vì vậy, chấm dứt việc làm này là cần thiết, hợp lý trong đời sống xã hội hiện đại.

Không những vậy, nói không với đốt vàng mã còn thể hiện một thông điệp sâu sắc về giữ gìn, phát huy những giá trị nhân văn của các nghi lễ tôn giáo và tâm linh. Thực hiện lễ nghi truyền thống không nhất thiết phải phô trương bằng vật chất, mà cốt lõi là ở tâm đức, lòng thành kính của chúng ta với tổ tiên và người đã khuất. Cũng có thể nói rằng, ngừng đốt vàng mã là một cách ngừng "đốt" niềm tin không có thật, qua đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đồng thời bảo vệ môi trường và an toàn cộng đồng.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-ngung-dot-niem-tin-khong-co-that-785132