Lẳng lặng mà xem họ cãi nhau
Có những lúc trên đường đời tấp nập/ Ta vô tình va cái 'bốp' vào nhau/ Phút nóng nảy khiến lòng ta để mất/ Sự thanh lịch đã tích cóp bấy lâu.
Ngôn ngữ khi cãi vã xứ ta có thực sự lỗ mãng không. Sau khi phân tích qua Big data thì ngôn ngữ của chúng ta không hề lỗ mãng như tưởng tượng. Này nhé. Mở đầu câu chuyện thì họ hỏi thăm về sở thích của nhau. Họ không khăng khăng ý mình, mà hỏi: Mày thích gì? Mày muốn thế nào?
Người ta luôn nhắc cho nhau nhớ về người sinh ra mình. Thí dụ: Mày có biết bố mày là ai không?
Rất là nhân văn. Họ cũng ý thức giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Thí dụ: Đồ mất dạy! Bố mẹ mày không dạy được mày thì để tao dạy cho biết thế nào là lễ độ.
Biết giáo dục là khó nhưng họ chẳng từ nan. Họ luôn luôn bảo vệ người sinh ra mình. Họ không nói là kệ tao. Mà lại nói mày muốn làm gì tao thì làm nhưng kệ bố tao.
Dù ngôn ngữ nhân văn đến đâu thì chúng ta vẫn có thể đoán được rằng sau màn đấu khẩu thì kết quả là phải loại người đối diện ra khỏi cuộc chơi.
Ở môi trường công sở, đôi khi sự tranh luận với những ngôn ngữ chuẩn mực thì cũng không thể chắc rằng cả hai đều hướng tới sự tích cực. Với trường hợp cấp dưới phản biện thì có thể bị cho là bật lại, thiếu lễ độ. Làm sao chúng ta tranh luận mà thoát được yếu tố cá nhân hẹp hòi? Vậy chúng ta thiếu điều gì. Ta thử tham khảo điều tương tự ở xứ Do Thái.
Chuyện vui. Bốn người đàn ông mang quốc tịch Mỹ, Afganistan, Ethiopia và Do Thái đang đứng tán gẫu thì một phóng viên tiến đến phỏng vấn: "Thứ lỗi cho tôi. Xin các vị vui lòng cho biết ý kiến về nạn thiếu hụt lương thực hiện nay?". Người Mỹ trả lời: "Thiếu hụt nghĩa là gì?". Người Ethiopia ngạc nhiên: "Lương thực là gì?"; Người Afghanistan thắc mắc: "Ý kiến là gì? Người Do Thái hỏi lại: "Thế nào là xin thứ lỗi?".
Câu chuyện tự trào của người Do Thái, cứ làm như người Do Thái không biết lịch sự là gì. Tuy nhiên truyện cũng ngụ ý về một tinh thần rất đặc biệt của người Do Thái có cái tên là "chutzpah". Theo học giả Do Thái Leo Rosten mô tả thì "chutzpah" nghĩa là "táo bạo, gai góc, trắng trợn, điên rồ, vô liêm sỉ, không khoan nhượng...” mà không ngôn từ nào có thể diễn tả chính xác.
Người nước ngoài sẽ chứng kiến sự táo tợn này ở bất kỳ đâu tại Israel: Trong cách các học trò tranh luận với giáo viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan và thư ký phản biện các bộ trưởng.
Tuy nhiên, đối với người Israel, đây không phải là sự táo tợn, mà là điều hết sức bình thường. Có thể hiểu là trắng trợn nhưng thành thật, điên rồ nhưng có cơ may sáng tạo, vô liêm sỉ nhưng dũng cảm, không khoan nhượng nhưng khoan dung…
Miễn là đạt được mục đích tích cực. Cái này, thực ra là tinh thần dân chủ nhưng bỏ qua được uyển ngữ vuốt ve kiểu phương Tây. Nếu như tại các nền văn hóa khác, đấu khẩu có thể bị coi là bất kính, bất phục tùng hoặc có ý làm bẽ mặt nhau thì người Do Thái cãi nhau kịch liệt để tìm ra giải pháp tối ưu. Có kết quả rồi thì hai bên bắt tay thực hiện và hưởng thành quả.
Một người Mỹ chứng kiến nhóm doanh nhân Do Thái khẩu chiến căng thẳng tưởng như không đội trời chung nên vào hỏi xem có thể giúp đỡ gì để họ hạ hỏa không. Một trong số họ đáp: Chúng tôi không sao cả. Chúng tôi đã tìm thấy sự đồng thuận.
Trong một số các cuộc giao tranh thời mới lập quốc, thoạt đầu, lực lượng Israel bị thiệt hại nặng, nhưng họ thay đổi chiến thuật rất linh hoạt và lại chiếm thế thượng phong. Có những trận, Israel mất rất nhiều xe tăng do đối phương bắn tên lửa AT-3 Sagger có điều khiển bằng dây. Loại này sau khi phóng thì người điều khiển sẽ điều hướng bằng công cụ điều khiển và căn bằng mắt theo cái đèn đỏ ở đuôi tên lửa.
Khi nào hạ mục tiêu thì mới có thể rời bàn điều khiển. Không bao lâu sau, loại tên lửa này bị vô hiệu do lính Israel đưa ra phương án hễ một xe tăng thấy có tên lửa phóng tới tất cả các xe đều di chuyển ngẫu nhiên tạo mù che mục tiêu và mọi hỏa lực ở mọi nơi lập tức xối xả vào hướng tên lửa bay tới buộc kẻ điều khiển bỏ cuộc. Sáng kiến này được NATO học tập. Được như vậy là nhờ tinh thần tranh luận "chutzpah" từ cấp chiến sĩ tiểu đội đến chỉ huy cấp cao.
Có thể vì đặc trưng "chutzpah" mà quân đội Israel rất ít sĩ quan. Việc một lính 20 tuổi chỉ huy vài trăm quân không có gì lạ. Ở đây, tính trách nhiệm và sáng tạo của từng binh sĩ được đề cao. Israel là quốc gia duy nhất mà mọi nhân vật chính khách như thủ tướng và các tướng lĩnh trong quân đội, thủ lĩnh đảng phái - đều được dân chúng gọi bằng biệt danh.
Biệt danh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ariel Sharon lần lượt là "Bibi" và "Arik". Người ta không ngại dùng công khai những cái tên đặc biệt này, thay vì chỉ nói sau lưng các vị quan chức. Điều này, chính là đại diện cho mức độ thân mật trong các mối quan hệ của dân chúng Israel.
Trở lại câu chuyện ban đầu. Trong ngôn ngữ tranh cãi của xứ mình đã đủ phong phú rồi nhưng vẫn thiếu gì đó. Việc bổ sung thêm một chút tinh thần "Vitamin chutzpah" để có thể thoáng hơn, tạo động lực cho sự sáng tạo và tích cực kể cũng cần thiết.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/lang-lang-ma-xem-ho-cai-nhau-i689423/