Lặng lẽ góp sức phòng chống đại dịch

Nhân viên Phú Yên CDC lấy dịch tỵ hầu của những người được cách ly tập trung (ảnh do Phú Yên CDC cung cấp)

Lặng lẽ làm việc, trong đó có những công việc “không tên”, các nữ nhân viên y tế đã cùng đồng nghiệp vượt lên nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, góp sức mình vào công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Hơn một năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở một số địa phương trong nước, các “chiến sĩ áo trắng” - phần đông là nữ - làm việc tại Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Khoa Xét nghiệm… thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên đã không còn khái niệm giờ hành chính, không có thứ bảy, chủ nhật.

“Trong đợt dịch trước, có những hôm 11 giờ đêm chúng tôi vẫn còn làm việc, khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ”, bác sĩ Nguyễn Thị Thắng (Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế), phụ trách một đội phản ứng nhanh của Phú Yên CDC nhớ lại. Các đồng nghiệp của bác sĩ Thắng, trong đó có chị Nguyễn Thị Thanh Vân, cũng làm việc quên thời gian.

Ngoài công việc chuyên môn tại khoa và trong đội phản ứng nhanh, ngày ngày chị Thanh Vân còn có nhiệm vụ tổng hợp thông tin từ các địa phương trong tỉnh, báo về Sở Y tế. Đã lâu rồi, chị không có thứ bảy, chủ nhật...

Những ai từng mặc trang phục phòng hộ của lực lượng ở tuyến đầu chống dịch mới biết rằng nó… thử thách như thế nào. Được thiết kế nhằm bảo vệ nhân viên y tế, trang phục này rất bí, mặc và làm việc trong mùa nắng càng có cảm giác bí bách, nóng nực, mồ hôi nhễ nhại.

“Trong đợt đầu tiên bùng phát dịch, chúng tôi đi lấy mẫu bệnh phẩm tại cộng đồng. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, chúng tôi lấy mẫu xong ở gia đình này thì tháo trang phục phòng hộ, khi đến nhà khác lấy mẫu thì mặc bộ khác vào. Mặc đồ phòng hộ mà đi liên tục là… thở không đều”, cử nhân sinh học Đào Lê Vân (Khoa Xét nghiệm) dí dỏm kể.

Khi lấy dịch tỵ hầu của các công dân từ nước ngoài về, trong cơ sở cách ly tập trung, không ít lần các nữ “chiến sĩ áo trắng” bị người ta càu nhàu, nạt nộ, vì việc lấy mẫu làm cho họ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí bị đau. Họ hắt hơi, có người chảy nước mắt nước mũi.

Vì vậy, ngoài nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 nếu người được lấy mẫu mắc COVID-19, các kỹ thuật viên, cử nhân sinh học ở Phú Yên CDC còn phải làm sao để bà con không bực dọc và hợp tác. “Mỗi một đợt đón công dân từ nước ngoài về, chúng tôi lấy hàng trăm mẫu bệnh phẩm, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Khi các công dân kết thúc việc cách ly tập trung, chúng tôi tự lấy mẫu của mình, đưa đi xét nghiệm. Cảm giác đúng là rất khó chịu nên chúng tôi thông cảm với sự bực dọc của những người khác”, một cử nhân sinh học ở Khoa Xét nghiệm thuộc Phú Yên CDC cho biết. “Làm công việc này, lúc đầu chúng tôi ai cũng sợ, giờ thì đã quen rồi”, kỹ thuật viên Võ Thị Thanh Thủy, cùng khoa, chia sẻ.

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết, trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19, các “chiến sĩ áo trắng” ở Phú Yên CDC đã không ngại khó khăn, nguy cơ lây nhiễm, nhất là trong quá trình điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Không chỉ có các “chiến sĩ áo trắng” ở Phú Yên CDC, nhân viên y tế (phần đông là nữ) làm nhiệm vụ tại chốt sàng lọc của các bệnh viện, trung tâm y tế cũng rất vất vả với công việc phòng chống dịch bệnh ngay tại “cửa ngõ” của cơ sở y tế, trong trang phục phòng hộ.

Tại chốt sàng lọc của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, mỗi ca trực gồm 2 nhân viên y tế và có thêm dân phòng; một ngày đêm 2 ca. Tại đây, nhân viên y tế có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân và người nhà của họ, yêu cầu rửa tay sát khuẩn, tiếp nhận khai báo y tế, qua đó sàng lọc những người có yếu tố dịch tễ để có hướng xử trí theo quy trình…

Tại chốt sàng lọc của Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hiền, Trưởng Phòng Điều dưỡng, một ngày đêm có 3 ca trực, mỗi ca một người. Các khoa lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh viện luân phiên cử điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, dược sĩ… trực tại chốt sàng lọc. Họ thường xuyên cập nhật các địa điểm mà Bộ Y tế thông báo khẩn để hướng dẫn những người vào bệnh viện khai báo y tế, qua đó làm tốt công việc sàng lọc.

“Bệnh nhân đi khám đông nhất là từ 8-9 giờ sáng, đặc biệt là sáng đầu tuần. Mình hướng dẫn bà con khai báo y tế. Trong những thời điểm hạn chế người thăm nuôi, bà con không biết, cứ muốn vào, mình giải thích và ngăn lại thì họ nổi nóng”, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tuyết Liên cho biết.

“Nhân viên y tế làm việc tại chốt sàng lọc cũng rất vất vả. Hàng ngày họ tiếp xúc với rất nhiều người; họ giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các chốt sàng lọc được ví như hàng rào của bệnh viện và họ là những người gác cổng”, bác sĩ Mộng Ngọc nói.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/253061/lang-le-gop-suc-phong-chong-dai-dich-%C2%A0.html