Lặng lẽ nghề tuần đường

Bất kể ngày hay đêm, nắng cũng như mưa, họ đều rong ruổi trên chiếc xe máy cả trăm cây số dọc tuyến đường được phân công quản lý với những rủi ro tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Mỗi khi mưa bão, các anh chưa bao giờ tròn giấc bởi cứ thấp thỏm nỗi lo cây ngã đổ làm ách tắc giao thông, sạt lở đất, nghẹt cống thoát nước… Nhiều lúc có sự vụ, cũng chỉ kịp khoác vội chiếc áo mưa là lao ra đường. Những người... vướng vào 'nghiệp' tuần đường là vậy.

Công việc của các anh tưởng chừng như chỉ chạy thong dong ngoài đường nhưng cũng đầy rẫy rủi ro, hiểm nguy và trách nhiệm không hề nhẹ. Ngày tiếp ngày, họ luôn hết lòng với công việc, thầm lặng góp sức để cho từng tuyến đường thông suốt, an toàn.

Phơi nắng, dầm mưa

Có thâm niên gần 30 năm làm công nhân tuần đường của Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai, anh Võ Khắc Diễn tự cho mình là người bị mắc bệnh nghề nghiệp nặng. Những lúc tham gia giao thông, trên xe chở vợ con hay bạn bè, người thân, anh thường bị phàn nàn là di chuyển với tốc độ quá chậm. Là bởi, đôi mắt anh lúc nào cũng tranh thủ quan sát xung quanh hoặc dán chặt xuống mặt đường như muốn “soi” kỹ đến từng milimet để tìm kiếm, phát hiện các hư hỏng, chướng ngại. Gắn với công việc tuần đường từ lúc mới hơn 20 tuổi, hết quản lý quốc lộ 19 (đoạn qua thị xã An Khê) rồi đến cung đường Trường Sơn Đông (huyện Kbang), hiện anh được giao hơn 30 km tuyến đường tránh TP. Pleiku (đoạn Chư Păh-Ia Grai-Pleiku-Chư Prông).

Mỗi ngày, từ mờ sáng, khi nhiều người vẫn còn chưa tỉnh giấc thì anh Diễn đã lên đường đi kiểm tra tuyến, hệ thống an toàn giao thông (ATGT), vi phạm hành lang đường bộ, biển báo, cột tiêu, cầu cống để kịp thời phát hiện, xử lý hư hỏng nếu có. Mỗi ngày, anh đi tuần trên tuyến đường này khoảng 60 km, chưa kể đoạn từ nhà đến tuyến đường theo dõi, đi về cũng xấp xỉ 30 km. Đi nhiều đến nỗi thuộc đến từng mét đường, nắm rõ các điểm xung yếu, vị trí cần lưu ý như “lòng bàn tay” nên chỉ cần có dấu hiệu bất thường là anh nhận biết được ngay, qua đó báo cáo về đơn vị để sớm có phương án xử lý.

Nhờ tuần tra thường xuyên, anh Đỗ Ngọc Ánh (Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê) kịp thời phát hiện tình trạng trộm cắp hộp đệm, bu lông phần hộ lan đường ở khu vực đèo Chư Sê. Ảnh: M.N

Nhờ tuần tra thường xuyên, anh Đỗ Ngọc Ánh (Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê) kịp thời phát hiện tình trạng trộm cắp hộp đệm, bu lông phần hộ lan đường ở khu vực đèo Chư Sê. Ảnh: M.N

Anh Diễn cho hay, nhiệm vụ tuần đường không kể thời gian, khi có sự cố xảy ra trên tuyến bất kể lúc nào cũng phải có mặt kịp thời. Đó là chưa kể những lúc bão lũ, chỉ cần có tin báo ngập lụt hay tắc đường, tai nạn giao thông, người tuần đường chỉ kịp khoác vội chiếc áo mưa, cứ thế lầm lụi lao vào màn đêm. “Đặc thù nghề tuần đường là mùa nắng khá nhàn nhưng càng mưa bão càng phải đi nhiều, hầu như ngày nào cũng có mặt trên tuyến để đảm bảo ATGT. Nghề luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, tự giác rất cao vì phải làm việc độc lập. Chỉ cần lơ là, sao nhãng, không phát hiện kịp thời nguy cơ mất an toàn thì hậu quả sẽ khôn lường”-anh Diễn chia sẻ.

Còn với anh Hoàng Văn Từ-công nhân Hạt Quản lý đường bộ Pleiku thì hơn 30 km đường quản lý thuộc quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), đoạn từ huyện Chư Păh đến dốc Hàm Rồng (TP. Pleiku) đã trở nên quá quen thuộc từ nhiều năm nay. Đoạn đường anh quản lý đi qua khu dân cư đông đúc nên tình trạng vi phạm hành lang ATGT để buôn bán, thậm chí xây nhà lấn chiếm luôn là “điểm nóng”. Anh Từ kể: “Nhắc nhở việc lấn chiếm thì va chạm đến lợi ích của người dân nên rất áp lực. Người hiểu chuyện thì khi được vận động họ tự nguyện di dời, còn một số người cố tình vi phạm thì dọa đánh, thậm chí vác dao đuổi”.

Hàng ngày, cần mẫn kiểm tra từng mét đường nên khi có sự cố xảy ra là anh kịp thời nắm bắt. Nhưng cũng có lúc là sự tình cờ, may mắn đã ngăn chặn được nguy cơ mất ATGT. Trong khi trò chuyện cùng chúng tôi, anh Từ có nhắc đến việc vô tình phát hiện sự cố “hố tử thần” xuất hiện trên đường Hồ Chí Minh gần ngã tư Biển Hồ (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Lúc đó tầm 5 giờ ngày 14-9-2022, anh Từ đến chỗ quen gần đó mua thực phẩm thì phát hiện một hố nhỏ trên mặt đường. Anh nhanh chóng báo về đơn vị rồi cùng người dân dùng các thùng xốp, cọc chắn cảnh báo cho người tham gia giao thông trong quá trình chờ khắc phục sự cố.

Không chỉ phát hiện báo sự cố trên đường, anh Từ còn phối hợp với lực lượng Công an đảm bảo ATGT ở những điểm xảy ra tai nạn trên tuyến. Có một vụ tai nạn xảy ra từ năm 2005 nhưng mỗi lần nhắc đến anh vẫn rùng mình. Đó là vụ va chạm kinh hoàng xảy ra tại dốc võng (quốc lộ 14, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) giữa xe Kamaz chở đá xây dựng với chiếc xe ô tô khách 12 chỗ khiến 9 người tử nạn không còn rõ hình hài. Sau khi tham gia cứu hộ, ám ảnh bởi hình ảnh thương tâm, phải đến 3 ngày sau anh mới ăn được cơm. Hay vụ tai nạn tại ngã ba La Sơn (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) mới đây, khi nhận thông tin anh phải bỏ dở đám cưới của người thân để chạy đến tham gia phối hợp đảm bảo ATGT.

Phát hiện đơn vị thi công làm rơi mất biển báo, anh Hoàng Văn Từ (Hạt Quản lý đường bộ Pleiku) chụp ghi nhận lại hình ảnh để ghi nhật ký báo cáo và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục. Ảnh: M.N

Phát hiện đơn vị thi công làm rơi mất biển báo, anh Hoàng Văn Từ (Hạt Quản lý đường bộ Pleiku) chụp ghi nhận lại hình ảnh để ghi nhật ký báo cáo và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục. Ảnh: M.N

Tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào công tác đảm bảo ATGT trên cung đường quản lý, anh Đỗ Ngọc Ánh-công nhân Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê-cho biết: Đoạn đường anh quản lý gần 46 km từ xã Ia Peng (huyện Phú Thiện) đến thị trấn Chư Sê. Đoạn đường này có hơn 3 km đèo Chư Sê, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Anh Ánh kể, nhiều lúc vừa kiểm tra đoạn tuyến xong, trưa về nhà mới bưng bát cơm lên đã có thông tin xe chở mía mất thắng bị tai nạn trên đèo. Tức tốc, anh chạy đến hiện trường để phối hợp đảm bảo ATGT, không để ùn tắc. Đến khi giải quyết ổn thỏa sự cố thì đã chiều tối. “Đó là tai nạn xảy ra ban ngày, nhiều lúc nửa đêm, trời mưa bão thì cũng phải đội mưa đến hiện trường. Ngoài việc tham gia khắc phục sự cố giao thông trên đường, tôi còn lập biên bản ghi nhận tình hình hư hại đến công trình giao thông. Chưa kể những lúc mưa bão cây ngã đổ hay xe tải làm rơi vãi cát, đá trên đường mình cũng phải tham gia hỗ trợ khắc phục”-anh Ánh chia sẻ về nỗi vất vả của nghề.

Còn đó những trăn trở

Dù chỉ mới hơn 4 năm gắn bó với nghề tuần đường nhưng anh Ánh không ngại khó, ngại khổ, luôn tập trung làm tốt công tác tuần tra phát hiện mọi sự cố trên đường. Đặc biệt là đã sớm phát hiện tình trạng hàng trăm hộp đệm, bu lông trên các hộ lan mềm bị kẻ gian lấy cắp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo ATGT tại khu vực đèo Chư Sê. Chỉ cho chúng tôi thấy một số đoạn lan can bảo vệ đã bị sập do mất hộp đệm, bu lông, nhiều đoạn bị xiêu vẹo, anh Ánh giải thích rằng nếu khi xảy ra sự cố thì người và phương tiện không còn được bảo vệ, rất dễ lao xuống vực.

Theo anh Ánh, kẻ gian lấy cắp các thiết bị trên hộ lan mềm ở những đoạn đường vắng, chủ yếu vào ban đêm, ít người qua lại nên rất khó phát hiện. “Việc phát hiện, ngăn chặn hành vi phá hoại này rất khó, trong khi kẻ trộm thì hoạt động ngày càng táo tợn, tinh vi. Chúng tôi mong lực lượng Công an sớm điều tra các đối tượng trộm cắp và có biện pháp xử lý dứt điểm nhằm răn đe cho các đối tượng khác, không để tái diễn hành vi vi phạm nguy hiểm này”-anh Ánh nói.

Tuần đường Đỗ Ngọc Ánh (Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê) kiểm tra đoạn lan can bảo vệ đã bị sập do bị kẻ trộm lấy mất hộp đệm, bu lông. Ảnh: Minh Nguyễn

Tuần đường Đỗ Ngọc Ánh (Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê) kiểm tra đoạn lan can bảo vệ đã bị sập do bị kẻ trộm lấy mất hộp đệm, bu lông. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Trần Văn Thạc-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai: Tuần đường là một nghề quá vất vả, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng thu nhập vẫn còn thấp. Nghề này nếu không yêu thì khó gắn bó được, bởi ngày nắng cũng như ngày mưa, nửa đêm, bão lũ, họ đều phải trực báo hiện trường; muốn nghỉ phép thì cũng phải báo trước để tìm người thay thế. Tuyến đường an toàn, giao thông thông suốt đều có những giọt mồ hôi nhọc nhằn của những người tuần đường thầm lặng này.

Những vất vả bám đường lúc mưa bão, đêm tối không làm những người tuần đường chùn bước nhưng lại chưa yên lòng khi trên cung đường quản lý còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Với anh Võ Khắc Diễn, nỗi lo là tình trạng thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số ở các làng sống ven khu vực đường tránh thường tụ tập đua xe, phóng nhanh vượt ẩu. Công an nhiều lần tập trung lực lượng truy quét nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Còn với anh Hoàng Văn Từ thì việc lấn chiếm hành lang đường bộ cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT. Đáng báo động là tình trạng một số hộ còn tự ý lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để tập kết vật liệu xây dựng… vẫn còn tái diễn trên đoạn đường mình quản lý.

Toàn tỉnh hiện có 20 người tuần đường quản lý hơn 700 km đường. Theo yêu cầu, mỗi người tuần đường sẽ phụ trách khoảng 30 km, thường xuyên thông tin về sự cố hư hỏng mặt đường, biển báo giao thông, hố ga vỡ sập nắp, công trình ngầm hoàn trả không đảm bảo và các sự cố tai nạn, ùn tắc giao thông trên những tuyến đường quản lý. Ông Trần Văn Thạc-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai-khẳng định: “Lực lượng tuần đường rất quan trọng, được xem là “tai mắt” trong việc phát hiện sự cố giao thông trên đường. Ngoài việc xử lý, khắc phục ngay những sự cố nhỏ thì từ nguồn thông tin, hình ảnh gửi về chúng tôi cũng kịp thời nắm bắt và đưa ra phương án sửa chữa, khắc phục sớm nhất”.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-le-nghe-tuan-duong-post240247.html