Lắng lòng nghe con trẻ
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 đang diễn ra bằng những việc làm và cảm xúc khác nhau. Trong khi cơ quan bảo vệ trẻ em cố gắng tạo ra những diễn đàn, sân chơi hướng trẻ em tới sự phát triển hài hòa về trí tuệ, thể chất và kỹ năng, thì ở nhiều gia đình, quyền của trẻ lại đang bị người thân của chúng vi phạm.
(Ảnh minh họa).
Mới đây, tại buổi giao lưu “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” do NXB Kim Đồng tổ chức, nhiều trẻ em đã bày tỏ: “Em thích có một bộ truyện dài kỳ của Việt Nam về thế giới phép thuật như Harry Potter”; “Em thích có thêm truyện về loài vật”; “Em thích có sách kể về chuyện học của chúng em trong dịch COVID-19”...
Theo một số trẻ, chúng cần những cuốn sách phù hợp lứa tuổi, đánh thức tuổi thơ thần tiên, khơi gợi cảm hứng sáng tạo trong không gian “góc sân và khoảng trời” riêng mình, để được sống thật với lứa tuổi hơn. Nhưng nhiều đứa trẻ không dễ để được đáp ứng. Chúng bị người lớn nhồi nhét những cuốn sách tham khảo, sách học văn hóa nâng cao theo cái lý của người lớn.
Cũng dễ hiểu thôi, nhiều người thường mong con mình có thêm kiến thức văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, để đủ sức đua tranh vào các trường điểm sau này. Họ mơ về những đứa trẻ thành tài và thường nghĩ đến chuyện “nhồi nhét” vào đầu trẻ theo triết lý của người lớn, mà quên rằng sở thích của trẻ nhiều khi rất đơn giản.
Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017 quy định bố mẹ đưa hình ảnh con cái từ đủ 7 tuổi trở lên lên mạng xã hội phải được sự đồng ý của trẻ. Nhưng trên mạng xã hội, hình ảnh trẻ em vẫn xuất hiện rất nhiều với những cách thức khác nhau. Thường thấy nhất là người lớn đăng kết quả học tập, thi cử của con trẻ; hình ảnh về những chuyến du lịch được mô tả như là phần thưởng sau một năm học. Thậm chí cả những hình ảnh gây cười của trẻ kèm theo bình luận mà chắc chắn con trẻ khó để vui được.
Những điều mà nhiều người lớn lấy làm tự hào chưa chắc đã làm những đứa trẻ của họ hài lòng. Việc đưa hình ảnh tốt của đứa trẻ này lên mạng xã hội cũng chưa chắc đã có tác dụng tích cực với đứa trẻ khác. Nhiều đứa trẻ sẽ trở nên tự ti, xấu hổ khi kết quả của mình không bằng. Thậm chí chúng còn bị bố mẹ đưa ra so sánh, rày la...
Trên nhiều diễn đàn chúng ta vẫn thấy hô hào hãy lắng nghe trẻ em khóc, trẻ em cười, nhưng chúng ta đã thực sự chân tình lắng nghe chưa? Một quy định không quá lớn đã được hiến định vào luật là đưa hình ảnh về trẻ lên mạng xã hội phải được sự đồng ý của chúng, tuy nhiên sau 5 năm có hiệu lực thi hành mà vẫn chưa thực hiện được một cách đúng nghĩa, thì sự tôn trọng lớn hơn sẽ khó để thực hiện được một cách đầy đủ và rộng khắp.
Ai cũng lớn lên từ những đứa trẻ, vậy nên hãy lắng nghe xem trẻ thực sự cần gì, thay cho việc áp đặt những điều mà người lớn cho là đúng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lang-long-nghe-con-tre/161013.htm