Làng miến Minh Khai vượt khó giữ nghề cha ông trong mùa dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều làng nghề ở Hà Nội đã chịu không ít ảnh hưởng, vượt lên khó khăn đó, các làng nghề vẫn cố gắng cầm cự hoạt động, thay đổi cách thức sản xuất để phòng tránh dịch và chuẩn bị các điều kiện cho việc khôi phục sản xuất khi dịch bệnh qua đi.

Nghề làm miến dong có từ lâu đời ở xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) và đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Theo người dân trong xã, Minh Khai là nơi làm miến đầu tiên của nước ta, sau này mới xuất hiện làng miến ở Cự Đà, làng So (Quốc Oai)… trải qua những thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn đã và đang giữ gìn làng nghề truyền thống của địa phương.

Trước đây mỗi ngày gia đình ông Thưởng làm hơn 1 tấn bột, cho ra được 700 - 800kg miến cung cấp ra thị trường, còn hiện nay, vì dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ miến giảm mạnh nên sản lượng cũng giảm theo

Trước đây mỗi ngày gia đình ông Thưởng làm hơn 1 tấn bột, cho ra được 700 - 800kg miến cung cấp ra thị trường, còn hiện nay, vì dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ miến giảm mạnh nên sản lượng cũng giảm theo

Kể về nghề miến dong của làng, ông Đỗ Đăng Thưởng (Phó Chủ tịch Hội miến dong xã Minh Khai) cho hay, xưa kia ở Minh Khai bạt ngàn những ruộng trồng cây dong riềng, đó cũng là cây cứu đói cho bao gia đình nông dân. Khi phát hiện ra củ dong riềng có nhiều bột, nấu chè ăn rất ngon, bà con nơi đây nghĩ ra cách chế biến thực phẩm từ củ dong riềng để cải thiện cuộc sống. Cũng từ đó nghề làm miến dong xuất hiện ở làng.

Trong ký ức của những người dân bám nghề, nghề miến xã Minh khai đã có giai đoạn đạt đến mức độ cực thịnh với hàng trăm hộ sản xuất. Ngoài nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, bà con còn đi nhập dong riềng ở các vùng lân cận để chế biến.

Qua thời gian, dưới sự cạnh tranh của các làng nghề miến dong khác trên cả nước, đến nay ở xã Minh Khai số hộ làm nghề đã giảm so với trước, chỉ còn khoảng 40 hộ gắn bó với nghề này. Miến nơi đây sản xuất quanh năm và được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả một số tỉnh lân cận. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, miến dong Minh Khai thường “cháy” hàng, nhiều khi cung không đủ cầu. Nhịp sản xuất nơi đây lúc nào cũng hối hả, ai nấy đều cố gắng làm ra nhiều thành phẩm nhất để kịp các đơn hàng.

Tuy nhiên, năm nay sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 khiến kinh tế suy giảm, sức mua giảm sút, thị trường tiêu thụ bị chững lại, ảnh hưởng lớn đến làng nghề và thu nhập của các hộ sản xuất trong làng.

Các hộ sản xuất nơi đây mong muốn dịch bệnh nhanh qua để những tháng cuối năm sản lượng tiêu thụ miến tăng trở lại, họ có thêm doanh thu

Các hộ sản xuất nơi đây mong muốn dịch bệnh nhanh qua để những tháng cuối năm sản lượng tiêu thụ miến tăng trở lại, họ có thêm doanh thu

Gia đình ông Đỗ Đăng Thưởng là một trong những hộ gắn bó lâu nhất với nghề sản xuất miến. Trước đây mỗi ngày gia đình ông làm hơn 1 tấn bột, cho ra được 700 - 800kg miến cung cấp ra thị trường, còn hiện nay, vì dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ miến giảm mạnh nên sản lượng cũng giảm theo. Việc sản xuất đến thời điểm này chủ yếu là cầm chừng để tiếp tục duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại.

“Mấy ngày gần đây mưa nhiều, chúng tôi không phơi được miến, đặc biệt do dịch Covid-19 nên chúng tôi cũng ảnh hưởng rất nhiều. Hiện nay, nguyên liệu nhập vào cao nhưng giá thành sản phẩm bị hạ giá hơn so với những năm trước, hiện nay chủ yếu bán để giữ mối. Đặc thù miến chủ yếu dùng trong những bữa cỗ, ăn tiệc, lẩu vì dịch bệnh hạn chế đông người nên chúng tôi càng khó tiêu thụ sản phẩm. Cùng kỳ những năm trước sản lượng tiêu thụ vài chục tấn/tháng năm nay vài tấn cũng khó khăn. Đó cũng là thực trạng chung của hầu hết các hộ sản xuất trong làng miến Minh Khai”, ông Thưởng chia sẻ.

Chia sẻ thêm về những khó khăn mà các hộ làm nghề đang gặp phải ông Thưởng cho biết, vì dịch bệnh nên việc thuê công nhân làm việc cũng khó khăn hơn. Nhiều chủ hộ không dám đón công nhân ở các làng khác tới làm, phần vì sợ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, phần còn lại số lượng đơn hàng xuất đi không đủ lãi để trả tiền nhân công.

“Khi chưa có dịch, vào mùa cao điểm gia đình phải thuê vài người thợ để kịp sản xuất các đơn hàng nhưng nay sản lượng ít gia đình đều tận dụng nhân công trong nhà để làm, mong sao dịch nhanh qua để những tháng cuối năm, sản lượng miến tiêu thụ được nhiều hơn, chúng tôi bớt khó khăn”, ông Thưởng bày tỏ mong muốn.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lang-mien-minh-khai-vuot-kho-giu-nghe-cha-ong-trong-mua-dich-covid-19-112225.html