Lắng mình nghe lịch sử, viết tiếp câu chuyện hòa bình

Những ngày tháng Tư lịch sử, trường học khắp cả nước tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (Hải Châu, Đà Nẵng) trong buổi sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (Hải Châu, Đà Nẵng) trong buổi sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: NTCC.

Sân trường rực sắc cờ đỏ sao vàng với những tiết mục văn nghệ, triển lãm về biển đảo quê hương, thuyết trình sách… Lắng mình nghe lịch sử, mỗi học sinh thêm trân quý giá trị hòa bình, độc lập. Từ đó, ra sức học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Quá khứ dẫn lối tương lai

Phim ngắn về Đại đội đặc công - biệt động Lê Độ, một lực lượng vũ trang của quận còn non trẻ, nhưng đặc biệt dũng cảm, với cách đánh độc đáo… đã giáng những đòn sấm sét tận hang ổ trung tâm đầu não của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội… do tập thể lớp 10/9 và 10/11, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đoạt giải Nhất cấp trường ở cuộc thi sáng tác ảnh, chủ đề Thanh niên tự hào, hành trình về địa chỉ đỏ.

Trong mạch kể của phim, ngoài sưu tầm những tư liệu liên quan đến các trận đánh của Đại đội Lê Độ, thế hệ trẻ từ mái trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước còn gửi gắm thông điệp “Họ cầm súng để chúng ta được cầm bút/ Họ đi trong bóng tối để chúng ta được ngắm ánh bình minh” và kỳ vọng thế hệ trẻ tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng, kiến thiết quê hương, đất nước giàu đẹp, hùng cường.

Một số tập thể lớp Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã có chuyến trải nghiệm về nguồn đầy ý nghĩa tại Nhà truyền thống K20. Khu căn cứ cách mạng K20 được xem như biểu tượng tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của người dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không chỉ lắng nghe những câu chuyện về tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả, các đoàn còn trực tiếp tham gia quét dọn, góp phần gìn giữ không gian trang nghiêm của khu di tích.

“Bước chân qua từng góc nhỏ K20, mỗi bức tranh, hiện vật như kể lại những tháng ngày gian khó nhưng kiên cường của cha ông ta. Học hỏi từ lịch sử, chúng em thêm tự hào và trân quý những giá trị mà thế hệ đi trước đã gìn giữ. Một ngày không chỉ tới thăm, dọn dẹp, tham quan mà còn là hành trình kết nối, tiếp lửa truyền thống và xây dựng ý thức trách nhiệm với lịch sử dân tộc”, Lương Nữ Hoàng Linh - Phó Bí thư Chi đoàn lớp 10/11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ.

 Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) xem triển lãm tư liệu “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) xem triển lãm tư liệu “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”. Ảnh: NTCC

Tại TPHCM, Trường Đại học Gia Định vừa tổ chức tọa đàm chuyên đề “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn - Gia Định”, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Với lối kể chuyện giàu cảm xúc và nền tảng kiến thức lịch sử sâu sắc, PGS.TS Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM đã dẫn dắt người nghe qua những câu chuyện chân thực và sống động về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Từ những hoạt động thầm lặng trong lòng địch cho đến sự góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, câu chuyện của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự.

Không chỉ cung cấp tri thức, tọa đàm còn là không gian nhân văn để sinh viên khám phá lịch sử dân tộc, từ đó khơi dậy tình yêu nước và ý thức trách nhiệm xã hội. “Em may mắn sinh ra trong thời bình, nhưng chiến thắng 30/4/1975 luôn in dấu trong tâm trí. Đó là chiến công được đổi bằng máu của cha ông mà em chỉ được biết qua sách vở. Em tự nhắc bản thân không được phép quên và sẽ nỗ lực học tập, đóng góp xây dựng đất nước”, Ngọc Bích - sinh viên Trường Đại học Gia Định nói.

PGS.TS Bùi Kim Hiếu - Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Gia Định cho biết, buổi tọa đàm là hành trình ngược dòng lịch sử để khắc ghi những giá trị truyền thống quý báu. Qua đó, sinh viên có thêm động lực sống lý tưởng, hội nhập tự tin nhưng vẫn gắn bó cội nguồn”.

Tọa đàm “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn - Gia Định” chỉ là một trong hàng trăm hoạt động đang được các trường đại học khu vực phía Nam triển khai hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó có thể là các buổi sinh hoạt chuyên đề về truyền thống cách mạng, hành trình về nguồn, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hay những hoạt động cộng đồng ý nghĩa dành cho gia đình chính sách, người có công.

 Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM “check in” cùng Đường cờ Tổ quốc. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM “check in” cùng Đường cờ Tổ quốc. Ảnh: NTCC

Những ngày tháng Tư, học sinh Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (Hải Châu, Đà Nẵng) đã có buổi sinh hoạt dưới cờ đầy xúc động. Sau giây phút rộn ràng cùng cờ hoa, cả sân trường như lặng đi khi những thước phim tư liệu hào hùng được trình chiếu. Đó là khoảnh khắc chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa trời Sài Gòn, đánh dấu ngày đất nước liền một dải, Bắc - Nam sum họp, trái tim hàng triệu người cùng chung nhịp đập tự do, thống nhất.

Trong không khí xúc động ấy, bà Lê Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường kể câu chuyện “Ngày về của cha”. Trong những năm tháng chiến tranh, cha của bà Nga công tác ở ngành Giao thông vận tải, bám trụ ở tuyến đường Trường Sơn khốc liệt nhất là miền Tây Quảng Bình. Trong ký ức của bà Nga còn vẹn nguyên lời dặn dò của cha mỗi khi tạt qua nhà: “Nghe tiếng máy bay phải chạy nhanh xuống hầm, sống mà về quê nghe chưa”.

Sống để trở về quê là ước nguyện lớn nhất của người chiến sĩ từng bị giặc Pháp bắt rồi vượt ngục trốn thoát, tập kết ra Bắc, tham gia vận chuyển hàng hóa vượt tuyến vào Nam. Ngày hòa bình thống nhất, gia đình bà Nga trở về quê bên bến đò Hà Thân (Đà Nẵng) đoàn tụ với bà con, họ hàng. Cuộc đoàn tụ không ai nói nên lời, chỉ có vòng tay ôm chặt, nước mắt lặng lẽ rơi và những cái nhìn sửng sốt, không ai tin người chiến sĩ can trường ấy còn sống sót trở về.

Giọng kể trầm ấm của vị hiệu trưởng như đưa học sinh quay về ngày tháng chiến tranh khốc liệt, cảm nhận nỗi chờ mong, niềm hạnh phúc vỡ òa của ngày đoàn tụ, để mỗi học sinh thêm trân quý giá trị hòa bình, độc lập và những hy sinh lặng thầm phía sau chiến thắng. Buổi sinh hoạt trở thành dịp để học sinh ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn là hành trình vun bồi tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc tiếp bước cha anh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM trao quà tặng cho các gia đình có công với cách mạng. Ảnh: OU

Sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM trao quà tặng cho các gia đình có công với cách mạng. Ảnh: OU

Đi giữa cờ hoa

Từng khung cửa ký túc xá Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bừng lên ánh sáng đỏ rực của lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng thiêng liêng không chỉ của một quốc gia, mà còn là tấm gương phản chiếu tinh thần bất khuất, niềm tự hào và lý tưởng sống của thế hệ trẻ hôm nay.

Hình ảnh ấy nhắc nhở: Hòa bình không chỉ là món quà thiêng liêng từ quá khứ, mà còn là trọng trách lớn lao mà thế hệ hôm nay phải gìn giữ và tiếp nối. Hơn cả hành động trang trí, mỗi lá cờ là biểu tượng của lòng biết ơn, ý chí hòa bình và tiếng nói của một thế hệ sinh viên luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đi giữa cờ hoa - những hình ảnh giản dị nhưng tràn đầy cảm xúc. Đó cũng là cách thế hệ trẻ hôm nay tưởng nhớ công lao cha anh đi trước, và thể hiện niềm tự hào khi được tiếp bước trong hành trình gìn giữ và phát triển đất nước.

Trường Đại học Công Thương TPHCM triển khai hàng loạt hoạt động ý nghĩa: Công trình thanh niên “Đường cờ Tổ quốc” tại cơ sở chính và ký túc xá; hội diễn văn nghệ sinh viên vào ngày 25 - 26/4; các hoạt động trải nghiệm “Chạm vào lịch sử - QR Code”, viết thư với chủ đề “Tôi viết cho một người lính chưa từng gặp”,...

“Thông qua những hoạt động này, sinh viên được giáo dục truyền thống, tiếp bước cha ông viết tiếp trang sử hào hùng, cùng nhau dựng xây quê hương giàu đẹp”, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường chia sẻ.

 Trường Đại học Lạc Hồng tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện lần thứ 52, góp phần cứu sống những người bệnh đang cần máu, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4.

Trường Đại học Lạc Hồng tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện lần thứ 52, góp phần cứu sống những người bệnh đang cần máu, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4.

Không khí kỷ niệm 50 năm ngày non sông nối liền một dải tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM càng thêm ý nghĩa qua các không gian tuyên truyền sáng tạo. Trong khuôn viên trường, 6 khu vực giáo dục lịch sử được thiết lập, gồm 1 khu chụp ảnh chủ đề “Rợp bóng cờ bay”, 2 đường cờ đỏ sao vàng và 3 khẩu hiệu tuyên truyền sinh động. Điểm chụp ảnh nhanh chóng trở thành nơi “check-in” yêu thích, sinh viên mặc trang phục truyền thống ghi lại khoảnh khắc đầy tự hào.

Đoàn trường Đại học Sư phạm TPHCM còn phát động trào lưu clip capcut “Hào khí tháng Tư” trên mạng xã hội, phát huy thế mạnh truyền thông số trong giáo dục lý tưởng sống. 100% Chi đoàn, Đoàn khoa tổ chức sinh hoạt chính trị “Khát vọng 50 năm - Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, tạo không gian lắng đọng, khơi dậy tinh thần cống hiến.

Lễ kết nạp Đảng cho 19 đoàn viên ưu tú vào ngày 28/4 đánh dấu sự trưởng thành và lý tưởng hóa của lớp trẻ. “Sinh viên tự tổ chức chụp ảnh, mặc áo dài, lan tỏa tinh thần dân tộc đến cả giảng viên, cán bộ - một hiệu ứng lan tỏa rất tích cực”, anh Nguyễn Vũ Hoài Ân - Bí thư Đoàn trường chia sẻ.

Trường Đại học Mở TPHCM lại kết nối sinh viên với lịch sử thông qua các cuộc thi sáng tạo: “TPHCM - Thành phố tôi yêu”, “Một góc Sài Gòn”; chuỗi infographic “OUer hiểu TPHCM”, “Ngày này năm xưa”; hành trình về nguồn tại địa đạo Củ Chi, Tam Giác Sắt, khu tưởng niệm Gạc Ma... Trường còn xây dựng công trình bản đồ số các địa điểm lịch sử tại TPHCM - một sản phẩm vừa mang giá trị học thuật, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của sinh viên với lịch sử.

Trong khi đó, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) phối hợp Công đoàn tổ chức cuộc thi ảnh, video “Góc cờ xịn - Lạc Hồng check-in”, tạo sân chơi sáng tạo, truyền cảm hứng yêu nước. Các tác phẩm dự thi sẽ được đăng tải và bình chọn trên mạng xã hội, lan tỏa hình ảnh đẹp về ngôi trường trong dịp lễ trọng đại. “Hoạt động này không chỉ góp phần giáo dục truyền thống, mà còn gắn kết tập thể, phát huy tinh thần đoàn kết và sáng tạo”, ông Đặng Đại Hùng - Chủ tịch Công đoàn trường nhấn mạnh.

 “Rừng” cờ đỏ sao vàng tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE

“Rừng” cờ đỏ sao vàng tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE

Hành động thiết thực

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nhiều trường còn chú trọng các chương trình xã hội ý nghĩa. Trường Đại học Lạc Hồng phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Công ty C.P Việt Nam tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện lần thứ 52, với thông điệp “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”.

“Mỗi đơn vị máu là một món quà vô giá, đặc biệt trong cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Hiến máu không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào khi tiếp nối truyền thống nhân đạo, yêu nước của dân tộc”, chị Trương Lê Bảo Trinh - Bí thư Đoàn trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ.

Những ngày qua, tuổi trẻ Trường Đại học Mở TPHCM tích cực lan tỏa tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” thông qua nhiều hành động thiết thực, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Vừa qua, Đoàn - Hội Khoa Tài chính - Ngân hàng của nhà trường đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM) tổ chức chuyến thăm và tặng quà cho ba hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đại diện sinh viên đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của các gia đình có công với cách mạng.

Tại Đà Nẵng, cô và trò Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu) náo nức chuẩn bị cho Ngày hội Thống nhất non sông. Các bé lớp Lớn cùng bố mẹ hoàn thiện mô hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập để vui cùng Hội thao Bé đi giữa cờ hoa.

Bà Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Các bé mầm non được trải nghiệm một ngày trong quân ngũ cùng các chú bộ đội ở đơn vị kết nghĩa với nhà trường. Sẽ có một số hoạt động mô phỏng như gánh, gặt lúa giúp dân, gánh nước tưới rau…

Các bé sẽ thấy được một hình ảnh gần gũi của các chú bộ đội trong thời bình, phù hợp với nhận thức và trải nghiệm lứa tuổi. Chúng ta tự hào về lịch sử và nhà trường dạy cho các em niềm tự hào ấy bằng những việc làm cụ thể, vì các em là thế hệ tương lai của đất nước”.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã tổ chức Triển lãm tư liệu, hình ảnh và báo cáo chuyên đề với chủ đề “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” năm 2025. Ông Lê Mạnh Tấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những tư liệu, hình ảnh quý giá về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các hoạt động của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã thực sự chạm đến trái tim người xem, khơi dậy lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm trong mỗi bạn trẻ”.

Hà Hải Hương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-minh-nghe-lich-su-viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-post729175.html