Lắng nghe câu ca từ hai vách núi

Là người quê của thắng cảnh 'Hòm Kẽm Đá Dừng' (Quảng Nam) nhưng tôi cũng chỉ đôi lần ngược dòng sông Thu để về với thắng cảnh. Song mỗi lần như vậy tôi lại nhận ra nhiều điều khác lạ, đó chính là cảm xúc của lòng mình. Sẽ thật chơi vơi khi nhìn những ngọn núi chót vót nghiêng mình trầm tư soi bóng xuống dòng sông cô quạnh, non nước hiền hòa, thanh bình như bức tranh thủy mặc.

Đẹp nao lòng thắng cảnh Hòn kẽm đá dừng.

Đẹp nao lòng thắng cảnh Hòn kẽm đá dừng.

Đó là lúc nền trời xanh thẳm cũng được kéo xuống mặt nước, để những ai một lần đến đây sẽ phải ngỡ ngàng trước màu xanh của nước pha lẫn sắc xanh của trời. Tôi nhớ có người thơ về đây đã viết: “Hắt vào sông một trời mây Ngọc Linh/ Sương giăng mịt mờ em tôi Hòn Kẽm/ Không phải đá mà ba đào dựng sóng/ Một dòng trôi xuôi chẳng thấy bến bờ” (Thơ Phạm Xuân Hùng).

Ai đó bảo rằng, đá ở đây đúng là đá dựng chứ không phải dừng. Bởi các bờ đá bên dòng nước hầu như dựng đứng. Từ trung tâm huyện Hiệp Đức đi khoảng 11 km là đến thôn Trà Linh, qua cầu Trà Linh, chỉ xuống đò là đi ngang qua danh thắng này. Từ Nông Sơn, ngược lên bằng thuyền thì phải mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Ai đã một lần đến mới cảm nhận được cái xứ sở bình yên, thơ mộng và đầy ắp những cảm xúc dâng trào khi lắng lại lòng mình để nghe câu ca vọng ra từ hai vách núi: “Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi/ Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”.

Giữa dòng đời biến đổi, trong cuộc mưu sinh nhiều người quê phải bỏ quê ra đi như một lẽ không thể cưỡng lại, nhưng càng đi xa nỗi niềm về quê nhà càng thêm sâu đậm. Nhiều khi lòng mình chênh chao, hụt hẫng bởi những giả trá của cuộc đời mà ước ao quay về ngôi nhà xưa nơi quê nghèo ấm áp, sâu nặng biết bao ơn nghĩa sinh thành… nhất là khi tuổi đời ngày một nhiều hơn con người sẽ hướng về nguồn cội như một lẽ tự nhiên của câu “lá rụng về cội”. Câu ca “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”, không phải bàn cãi nữa, nhưng không ít người lại thắc mắc đoạn kết, hai câu cuối, tại sao lại, “nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”. Tìm hiểu qua các cụ cao niên cũng như các nhà văn hóa dân gian thì cũng có đôi cách giải thích khác nhau song theo người viết bài này, nhiều khả năng nhất câu ca trên xuất phát từ nguồn cơn câu chuyện lịch sử địa phương. Bởi ai cũng biết những câu ca về vùng đất bao giờ cũng gắn liền với câu chuyện lịch sử nơi đó.

Theo người viết bài này, cần phải đặt câu ca trên trong hoàn cảnh lịch sử địa phương này ở giai đoạn phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu làm thủ lĩnh. Tháng 7-1887, lực lượng nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, Nguyễn Duy Hiệu lại đau đớn khi hay tin mẹ mất. Ông dẫn đứa con trai tìm về làng Thanh Hà, Hội An để thắp nhang cho mẹ và đã khóc than: “Là bầy tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nổi bất bình mà kêu cùng tạo hóa/ Là con trai mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc sinh thành”. Và rồi sau đó Nguyễn Duy Hiệu đã bị địch vây bắt tại Hội An. Ngày 1-10-1887, Nguyễn Duy Hiệu bị giặc chém đầu tại pháp trường An Hòa (Huế). Bởi vậy câu ca dụng ý rằng, nếu vì cha vì mẹ như Nguyễn Duy Hiệu thì về quê, bằng không thì thôi, đừng về, để bảo toàn tính mạng. Có phải vì ra đời trong hoàn cảnh trên nên câu ca mới có lời nhắn nhủ đó?

Một người bạn chuyên nghiên cứu lĩnh vực lịch sử trong một chuyến đi về Hòn Kẽm Đá Dừng, khi tôi đề cập đến vấn đề này đã rất đồng tình với tôi và thêm rằng: Có một câu ca nữa cũng gắn với lịch sử vùng đất này (tuy không gắn với câu ngó lên Hòm Kẽm Đá Dừng) nhưng gắn với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, đó là câu: “Ai lên mấy nhánh sông Con/ Hỏi quân Hường Hiệu có còn đánh Tây?” Bạn giải thích, sông Kôn hay sông Côn, sông Con là một và đó chínhlà một phụ lưu cấp 1 của sông Vu Gia trong hệ thống sông Thu Bồn, chảy qua các huyện Đông Giang, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam rất rộng, ảnh hưởng lớn, căn cứ địa được xây dựng nhiều nơi, ngoài Tân tỉnh, Trung Lộc còn có một số vùng ở Đại Lộc, Tiên Phước và An Lâm thuộc xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức…

Điều thú vị chỉ một đoạn sông qua địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng mà đã có rất nhiều cái tên ẩn chứa bao điều lạ lẫm về vùng bến bãi nơi này như: Tứ Nhũ, Bà Thiêng, Đá Bùa, Đá Dựng, Khe Nghiêng, Gành Tiên, Ba Hang, Nước Mắt. Hầu hết những cái tên ấy đều gắn với hiện tượng thiên tạo. Đặc biệt nhất vẫn là địa danh Đá Bùa. Bởi ngay dưới chân của vách đá Thạch Bích có một văn bia cổ của người Chăm được chạm khắc từ lâu đời luôn ẩn chìm dưới nước. Văn bia gồm hai dòng chữ, mỗi hàng dài 2 m, thân chữ cao 0,15 m, được tham tá người Pháp của tòa Công sứ Hội An phát hiện năm 1908. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ thì hai hàng chữ này được khắc vào thế kỷ thứ IV, cùng với các niên đại xây dựng thánh địa Mỹ Sơn.

Đó là mỏm đá có tên là Nước Mắt làm tôi liên tưởng đó chính là những giọt nước mắt xé lòng của mẹ Năm Nghê (Lê Thị Nghê) và bà con làng Trà Linh giữa một đêm đông năm 1969. Để cứu hơn 200 người làng và du kích trú trong Ba Hàng giữa một cuộc càn của Mỹ-ngụy mở về Trà Linh, mẹ đã nát lòng khi đưa miệng đứa con 3 tháng tuổi vào bầu vú cho đến khi núm ruột của mình không bao giờ còn được khóc nữa. Một thời lửa đạn, một thời gian khó đi qua, nghĩa cả của những người mẹ như mẹ Nghê thật cao cả biết bao.

Vùng Đồng Làng - Trà Linh và nói chung Hiệp Đức hôm nay đã đổi thay nhiều lắm. Những chuyến đò tròng trành xưa cũ đã không còn, thay vào đó là những cây cầu hiện đại vắt ngang dòng Thu Bồn xanh ngát. Bờ bãi phía thượng nguồn bát ngát những nương ngô, sắn xanh tốt, ấm áp những làn khói bếp chiều hôm thanh bình mà gợi bao niềm thương nỗi nhớ về một vùng quê sâu nặng nghĩa tình. Câu ca xưa sao cứ lắng lại trong lòng, dù rằng mỗi chúng ta thương cha nhớ mẹ đâu có đợi chi “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng”.

Tạp bút: Võ Văn Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lang-nghe-cau-ca-tu-hai-vach-nui-post308262.html