Làng nghề 'chạy đua' ngày cận tết
Có dịp về các làng nghề trên địa bàn tỉnh vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2022, mới thấy được không khí rộn ràng, khẩn trương. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song cuối năm là thời điểm 'đắt hàng' nhất, nên các cơ sở sản xuất đang tăng tốc, chạy đua để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân.
Các cơ sở sản xuất ở làng nghề rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), đang đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng những đơn hàng dịp cuối năm.
Tại làng nghề rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) những ngày này không khí tấp nập, nhộn nhịp từ đầu làng đến cuối xóm. Đâu đâu, cũng nghe tiếng cưa, mài, tiếng còi xe ra vào lấy hàng. Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ một cơ sở sản xuất nghề rèn ở thôn Ngọ, cho biết: “Cứ mỗi dịp tết đến làng nghề lại nhộn nhịp hẳn lên, cơ sở nào cũng đông khách. Những năm về trước, khi chưa có dịch bệnh, cơ sở sản xuất của gia đình tôi trong tháng tết xuất đi hơn 2 vạn con dao. Đó là chưa kể các mặt hàng khác như: cuốc, xẻng, liềm... đều có nhiều đơn hàng. Năm nay, do dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp nên dự kiến đơn hàng có giảm đi, song không đáng kể. Bởi vậy, ngoài việc thuê thêm nhân công, cả gia đình tôi phải làm việc với công suất gấp ba gấp bốn ngày thường và kéo dài đến sau tết. Đồng thời, thay vì làm hoàn toàn bằng thủ công, nhiều năm trở lại đây, gia đình tôi đã đầu tư máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ việc quan tâm đến mẫu mã, chất lượng nên sản phẩm của gia đình không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường các nước như Lào, Thái Lan...”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn xã Tiến Lộc hiện có khoảng 1.600 hộ làm nghề rèn, chiếm tới 60% số hộ trong xã, tập trung nhiều nhất ở làng Bùi, làng Ngọ và làng Sơn. Do cuối năm là thời điểm “đắt hàng” nhất trong năm, nên những ngày này các cơ sở làm nghề đang tập trung sản xuất để kịp đưa sản phẩm ra thị trường. Nhiều năm trở lại đây, các hộ làm nghề đã tự trang bị các loại máy móc để giải phóng sức lao động như máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay... Bởi vậy, sản phẩm làm ra cũng rất đa dạng, phong phú, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các địa phương lân cận. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ.
Đến xã Tân Châu (Thiệu Hóa), vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài. Bên lò bánh đang nghi ngút khói, bà Phùng Thị Lan ở thôn Đắc Châu 1, cho chúng tôi biết: “Bánh đa nem ở đây được sản xuất quanh năm, nhưng vào dịp giáp tết cổ truyền đơn hàng nhiều hơn nên đòi hỏi các hộ dân làm nghề phải khẩn trương sản xuất để có đủ bánh phục vụ nhu cầu thị trường. Hơn một tháng nay, lò bánh nhà tôi hoạt động liên tục để kịp đơn hàng. Mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất khoảng 3.000 bánh, ngày thường có giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/100 cái, vào các tháng giáp tết giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/100 cái. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, bánh đa nem Tân Châu đã trở thành sản phẩm quen thuộc của nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước”.
Cùng với gia đình bà Lan, hiện nay gần 150 hộ sản xuất bánh đa nem tại xã Tân Châu cũng đang huy động toàn bộ nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Để làm ra những chiếc bánh đa nem tròn, mỏng, đẹp, đều thì người tráng phải đều tay, lượng bột vừa phải và căn thời gian hấp vừa đủ. Bánh sau khi tráng được phơi ngoài nắng từ 30 phút đến 1 giờ. Vào nhưng ngày trời nắng, bánh sẽ nhanh khô và thơm hơn. Cách đóng gói cũng rất tiện lợi với nhiều tập mỏng, dày tùy theo số lượng bánh.
Một mùa xuân nữa lại về, cùng với các làng nghề rèn Tiến Lộc, bánh đa nem Tân Châu thì ở nhiều làng nghề khác như bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên (Thọ Xuân), làng nghề miến gạo, xã Thăng Long (Nông Cống), hay làng nghề nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa)... cũng đang “chạy đua” sản xuất, nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/lang-nghe-chay-dua-ngay-can-tet/150755.htm