Lắng nghe, chia sẻ với nông dân

Sáng 14-10, tại Hà Nội, lần đầu tiên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng chủ trì một diễn đàn để lắng nghe những tâm tư, trăn trở và đề nghị từ chính những người nông dân trên khắp cả nước…

Những vấn đề nông dân đang đối mặt

Tại diễn đàn, các ý kiến của nông dân xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng như tái thiết sản xuất sau thiên tai, hỗ trợ vốn và bảo hiểm nông nghiệp. Nhiều nông dân chia sẻ, sau những cơn bão lũ gần đây, nhiều hộ dân, hợp tác xã phải đối mặt với mất mát lớn, từ thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, đại diện Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, khiến mỗi thành viên hợp tác xã mất từ 5 đến 6 tỷ đồng. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhưng để khôi phục hoàn toàn sản xuất, họ cần sự hỗ trợ về vốn, khoanh nợ, giãn nợ và nguồn vốn mới với lãi suất ưu đãi.

Nhiều nông dân cũng bày tỏ mối quan tâm về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững nhằm giảm phát thải... Nông dân kiến nghị Chính phủ có thêm cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy mô hình sản xuất này. Quy hoạch sản xuất cũng được nhiều nông dân nhấn mạnh, cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý để nông dân không chỉ phát triển sản xuất mà còn có đầu ra ổn định.

 Nông dân Hoàng Văn Liêm, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thiên An, Yên Bái đặt câu hỏi tại diễn đàn

Nông dân Hoàng Văn Liêm, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thiên An, Yên Bái đặt câu hỏi tại diễn đàn

Một vấn đề khác được nhiều nông dân đặt ra là cần đổi mới và nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ nông dân. Ông Hoàng Văn Liêm, đại diện Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thiên An (tỉnh Yên Bái), cho rằng, thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Ông kiến nghị chính quyền cần có chính sách bảo hiểm nông nghiệp phù hợp hơn, đặc biệt là hỗ trợ cho các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, giúp họ yên tâm sản xuất mà không lo mất mát quá lớn khi thiên tai ập đến.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời những câu hỏi của nông dân, sáng 14-10

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời những câu hỏi của nông dân, sáng 14-10

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã lắng nghe và chia sẻ những trăn trở của nông dân. Ông khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng để đảm bảo các nguồn vốn hỗ trợ nhanh chóng đến tay nông dân, giúp khôi phục sản xuất sau thiên tai. Ông Hoan cũng nhấn mạnh vai trò của nông dân không chỉ là sản xuất mà còn cần phải nắm vững kiến thức về thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận từ sản xuất.

Bài toán quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu

Một trong những thách thức lớn mà nông dân phải đối mặt là vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu và bảo quản nông sản.

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (tỉnh Đắk Nông), cho biết, nhiều nông dân đang phải bán ồ ạt cà phê và hồ tiêu sau thu hoạch vì không có đủ kho bãi để lưu trữ, dẫn đến tình trạng giảm giá trị xuất khẩu. Ông đề xuất cần xây dựng các kho bãi đạt chuẩn để đảm bảo việc bảo quản nông sản tốt hơn, từ đó giúp nâng cao giá trị và cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình với đề xuất này và cho rằng, việc xây dựng kho bãi không chỉ giúp ổn định giá cả nông sản mà còn là giải pháp dài hạn giúp người nông dân bảo vệ thành quả lao động của mình. Ông khuyến khích các hợp tác xã chủ động xây dựng kho bãi, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro tài chính và nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.

 Nông dân Nguyễn Hữu Ánh (Tân Thành, Cà Mau), nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 nêu câu hỏi

Nông dân Nguyễn Hữu Ánh (Tân Thành, Cà Mau), nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 nêu câu hỏi

Vấn đề liên quan đến đất đai cũng được nhiều nông dân quan tâm. Ông Nguyễn Hữu Ánh (tỉnh Cà Mau), chia sẻ về khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng trọt sang nuôi thủy sản. Ông Ánh cho biết, nhiều năm qua, người dân ở vùng này không thể mở rộng sản xuất do các quy định về chuyển đổi đất nông nghiệp. Ông đề nghị chính quyền địa phương cần xem xét cho phép chuyển đổi đất ở những vùng có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Đáp lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Luật Đất đai 2024 đã mở ra nhiều cơ hội cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích đa dạng hơn, bao gồm nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Ông cam kết sẽ làm việc với các địa phương để giải quyết vướng mắc về đất đai, giúp người nông dân tận dụng được nguồn lực đất đai một cách hiệu quả nhất.

“Nếu phần trả lời chưa đầy đủ, bà con cứ nhắn tin cho tôi, tôi sẽ lắng nghe và chuyển thông tin đến lãnh đạo địa phương để giải quyết kịp thời những khó khăn cho bà con”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Diễn đàn ngày 14-10 nằm trong khuôn khổ Chương trình Nông dân quốc gia lần thứ IX. Diễn đàn không chỉ để các nông dân bày tỏ những khó khăn, mà còn là cơ hội để họ chia sẻ những giải pháp sáng tạo và cách thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những thách thức hiện tại, nhiều nông dân đã có những mô hình sản xuất bền vững và thành công, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây là những bài học quý báu mà các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ cần học hỏi và áp dụng trong thời gian tới.

 Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời các câu hỏi của nông dân

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời các câu hỏi của nông dân

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chia sẻ: “Diễn đàn hôm nay là dịp để chúng tôi trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, khó khăn từ các nông dân xuất sắc và hợp tác xã tiêu biểu. Qua đó, chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến để đề xuất những chính sách cụ thể với Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ nông dân khôi phục và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-nghe-chia-se-voi-nong-dan-post763542.html