Lắng nghe giáo viên để tháo gỡ khó khăn trong dạy và học
Một giáo viên trình bày đề xuất với ngành Giáo dục tại buổi đối thoại. Ảnh: HIẾU TRUNG
Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT, Thành ủy Tuy Hòa với cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động và phụ huynh học sinh các trường học trên địa bàn TP Tuy Hòa vừa diễn ra. Qua hoạt động này, địa phương và ngành Giáo dục phần nào nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người tham gia đối thoại, từ đó tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt công tác dạy và học trong thời gian tới.
Gỡ khó
Tại buổi đối thoại, 21 ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động và phụ huynh đã được gửi đến lãnh đạo ngành Giáo dục cũng như lãnh đạo TP Tuy Hòa. Các kiến nghị tập trung vào một số bất cập đang tồn tại hiện nay, cần được tháo gỡ, giải quyết sớm, đảm bảo nhu cầu dạy và học.
Đại diện Trường mầm non Anh Đào đặt vấn đề: Từ năm 1995-2020, giáo viên mầm non công tác ở xã, phường không được đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, họ rất mong các cấp lãnh đạo tham mưu cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh cho giáo viên được đóng bổ sung để đảm bảo chế độ nghỉ hưu. Vấn đề này, Phòng Nội vụ TP Tuy Hòa cho biết đang tham mưu UBND TP Tuy Hòa có văn bản hỏi ý kiến của Bảo hiểm xã hội tỉnh nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho NLĐ.
Một số giáo viên băn khoăn, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên phải trực trường thì có được chi trả tiền bồi dưỡng hay không? Ông Nguyễn Hồ Bảo Khôi, Trưởng phòng GD&ĐT TP Tuy Hòa giải đáp: Theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Thông tư 28 ngày 21/10/2009 của Bộ GD&ĐT, thời gian làm việc của giáo viên THCS trong năm học là 42 tuần; tại khoản 4, Điều 1, Thông tư 15 ngày 19/6/2017 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28 ngày 21/10/2009 của Bộ GD&ĐT thì thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ luật Lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Từ những cơ sở trên, có thể hiểu trong thời gian nghỉ hè, giáo viên tham gia trực trường thì được chi trả tiền làm thêm giờ nếu trong năm học giáo viên đảm bảo thời gian làm việc theo quy định 42 tuần và đảm bảo định mức tiết dạy theo quy định.
Tại chương trình, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản Bùi Anh Tuấn cho rằng: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chủ trương đúng, xu thế tiến bộ tạo được cơ chế mở cho các cơ sở giáo dục, giáo viên trong việc chọn lựa bộ sách giáo khoa để làm tài liệu giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, thực tế, một số phụ huynh học sinh có nguyện vọng chuyển trường cho con đến một trường khác không dùng cùng bộ sách giáo khoa đang học ở trường cũ sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Các cấp lãnh đạo có định hướng gì và giải quyết như thế nào? Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Thường xuyên (Sở GD&ĐT), hàng năm các trường cần mua thêm một số bộ sách giáo khoa để tại thư viện trường để cho mượn khi học sinh trường khác chuyển đến hoặc cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường chưa mua sách giáo khoa mượn học.
Sinh viên sư phạm bí đường
Tại buổi đối thoại, nhiều phụ huynh cũng có thắc mắc gửi đến ngành Giáo dục. Bà Dương Thị Thu Vinh có con đang học Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, cho rằng đối với tuyển sinh ngành Sư phạm, Sở GD&ĐT có thể thông báo số chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trước kỳ tuyển sinh đối với từng môn học cụ thể và đặt hàng với trường nào cụ thể để học sinh nắm bắt, đăng ký hay điều chỉnh/thay đổi môn đã chọn trước đó, góp phần hạn chế thất nghiệp sau đào tạo.
Ông Huỳnh Quốc Lực, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) trả lời: Theo phân cấp quản lý thì UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, sử dụng và tuyển dụng biên chế giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS; Sở GD&ĐT quản lý, sử dụng và tuyển dụng biên chế giáo viên các trường THCS và THPT, trường THPT. Các đơn vị trực thuộc sở quản lý thực hiện lộ trình tinh giản biên chế 10%. Giai đoạn 2022-2026, Sở GD&ĐT phải tinh giản 214 biên chế đối với các đơn vị trực thuộc sở quản lý. Trong năm 2022, Sở GD&ĐT đã tổ chức xét tuyển 123 chỉ tiêu cho các vị trí giáo viên cấp THPT, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký lên đến 751 hồ sơ, vượt 628 hồ sơ so với chỉ tiêu cần tuyển. Như vậy, số lượng sinh viên sư phạm chưa có việc làm còn nhiều, cộng với việc phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, các trường THPT trực thuộc sở quản lý đến năm 2025 chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm.
Đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, Sở GD&ĐT cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát số lượng sinh viên học sư phạm chưa có việc làm cũng như số lượng sinh viên đang học sư phạm tại địa phương và biên chế được UBND tỉnh giao để đăng ký nhu cầu đào tạo sinh viên sư phạm. Qua tổng hợp thống kê báo cáo của 9 huyện, thị xã, thành phố, hiện nay chưa địa phương nào có nhu cầu đặt hàng sinh viên sư phạm mầm non, tiểu học, THCS đến năm 2025.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ, thực tế lâu nay có nhiều vấn đề cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, phụ huynh học sinh chưa nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời. Vì vậy, việc tổ chức đối thoại nhằm minh bạch thông tin giáo dục tỉnh nhà, trong đó có công tác nhân sự, tài chính, chuyên môn, dạy học...
Tại buổi đối thoại, chúng tôi luôn cởi mở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách, công tác dạy và học... Ngoài ra, đây cũng là dịp để trao đổi thông tin hai chiều; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng công tác GD&ĐT tỉnh nhà.