Lắng nghe, gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo kết quả công bố năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đứng thứ 4/23 sở, ban, ngành về chỉ số năng lực cạnh tranh và đứng thứ nhất trong các sở, ban, ngành về Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Để độc giả hiểu rõ những giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), nâng cao năng lực cạnh tranh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT về nội dung này.
PV: Thực hiện Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở KH&ĐT đã tham mưu phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh như thế nào thưa đồng chí?
Đ/c Hà Văn Dương: Hàng năm, Sở KH&ĐT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đồng hành cùng các hội, Hiệp hội DN và cộng đồng các DN trong tỉnh tăng cường tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, áp dụng đồng bộ các chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong công tác hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhiều chính sách, chương trình, đề án của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu, phát huy có hiệu quả trong công tác hỗ trợ DN như: Hỗ trợ DN chuyển đổi số, thuế, tín dụng, trợ giúp pháp lý, đào tạo lao động, xúc tiến đầu tư…
Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, đến nay một số mục tiêu theo Nghị quyết đã hoàn thành như: Tạo thêm việc làm mới từ 10.000 đến 12.000 lao động; hàng năm có trên 800 DN thành lập mới; thu ngân sách nhà nước từ khối DNNVV tăng bình quân 10-12%; hỗ trợ DNNVV nâng cao nhận thức về chuyển đổi số...
Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ DN, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Đề án, để các DN phát triển nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ thêm những giải pháp Sở KH&ĐT đã triển khai trong việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) để hỗ trợ DN giảm chi phí, thời gian trong giải quyết các TTHC?
Đ/c Hà Văn Dương: Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ cho các DN đăng ký hoạt động, sản xuất kinh doanh, Sở KH&ĐT đã tham mưu ban hành kịp thời, công khai hóa, đồng bộ các TTHC trong lĩnh vực KH&ĐT. Các TTHC của sở được đăng tải trên Website của tỉnh, của Sở để người dân và DN tra cứu, tham khảo.
Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, người dân và DN được cán bộ có trình độ, kinh nghiệm hướng dẫn, hỗ trợ soạn thảo, kê khai, lập hồ sơ đăng ký DN, đăng ký đầu tư. Hàng năm, Sở xây dựng kế hoạch rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC. Đã thực hiện rút ngắn thời gian đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày; giảm thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; rút ngắn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.
Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn, hỗ trợ DN làm thủ tục đăng ký DN qua mạng, đến nay số lượng hồ sơ đăng ký DN qua mạng mức độ 4 đạt 98%; phối hợp với Bưu điện tỉnh trả kết quả đăng ký DN qua đường bưu điện giúp DN tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại trong giải quyết TTHC.
PV: Hầu hết các DNNVV trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, vốn ít; còn thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV của tỉnh… Thời gian tới, Sở KH&ĐT đề ra những giải pháp như thế nào để hỗ trợ các DN khắc phục những khó khăn nêu trên?
Đ/c Hà Văn Dương: Thời gian tới, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ và phát triển DN. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, trong đó triển khai hiệu quả và đồng bộ các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh như: Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh…
Sở KH&ĐT tham mưu, tổ chức triển khai, tích hợp Quy hoạch tỉnh đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời tập trung đầu tư các hạ tầng cơ sở, các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút DN đầu tư. Hàng năm, thực hiện công bố, công khai thông tin các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục các dự án, các khu, cụm công nghiệp... để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư tìm hiểu, đầu tư kinh doanh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ DN và người dân thuận lợi trong quá trình thực hiện các TTHC. Tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn và sử dụng các dịch vụ tài chính nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò và hiệu quả của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Dành nguồn ngân sách thích hợp cho công tác hỗ trợ DN, nhất là các DNNVV. Huy động các nguồn lực hợp pháp từ cộng đồng DN, hiệp hội DN nhằm phát huy tính liên kết, hợp tác trong hỗ trợ DN. Thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với DN để nắm bắt khó khăn vướng mắc, nhu cầu hỗ trợ, từ đó có các giải pháp, hình thức hỗ trợ thiết thực, phù hợp với tình hình mới.