Làng nghề Hà Tĩnh chuẩn bị gói hàng chục vạn bánh chưng phục vụ tết Nguyên đán
Những ngày này, tại làng nghề làm bánh Khổng Yên (thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh), bà con đang hối hả chuẩn bị nguyên liệu để gói hàng chục vạn bánh chưng phục vụ thị trường tết Nguyên đán.
Lá dong dùng để gói bánh chưng được người dân làng nghề Khổng Yên thu mua ở Hương Sơn từ giữa tháng Chạp
Tại tổ dân phố Hùng Dũng, nơi tập trung số lượng lớn các gia đình làm bánh truyền thống của làng nghề Khổng Yên, không khí chuẩn bị gói bánh chưng tết trở nên rộn ràng những ngày cuối năm.
Ông Trần Đình Hân (56 tuổi) cho biết: “Đến thời điểm này, tôi đã thu mua được 80.000 chiếc lá dong để chuẩn bị gói khoảng 7.000 chiếc bánh chưng phục vụ tết. Trong đó, ngoài 5.000 chiếc bánh khách hàng đã đặt, chúng tôi dự kiến sẽ gói thêm 2.000 chiếc nữa để bán lẻ ở các chợ quanh vùng”.
Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Trần Đình Hân sẽ sản xuất 7.000 chiếc bánh chưng phục vụ thị trường.
Ngoài chuẩn bị số lượng lớn lá dong, ông Hân cũng đã chuẩn bị được 7 tấn gạo nếp, 3 tấn đậu xanh để phục vụ cho việc gói số lượng bánh chưng nói trên.
Cũng tất bật với việc thu mua, cắt gân, rửa lá long để chuẩn bị gói hơn 5.000 chiếc bánh chưng mà khách hàng đã đặt, bà Nguyễn Thị Nho (57 tuổi, một chủ hộ làm bánh khác ở làng Khổng Yên) cho hay: “Gia đình tôi có truyền thống làm bánh gai và bánh chưng đến tôi đã 3 đời. Ngoài làm bánh gai quanh năm thì dịp cuối năm là lúc chúng tôi tập trung vào gói bánh chưng. Nhiều năm nay, khách hàng lấy bánh chưng của chúng tôi không chỉ các địa phương trong tỉnh mà còn một số nơi khác như Hà Nội, Bình Dương…”.
Với hàng vạn chiếc lá dong, bà Nguyễn Thị Nho phải thuê thêm nhiều công nhân cắt gân, rửa sạch để chuẩn bị gói bánh.
Được biết, công việc gói bánh chưng phục vụ tết ở cơ sở của bà Nho bắt đầu từ ngày 23- 29 tháng Chạp. So với những ngày thường chỉ làm bánh gai, cơ sở của bà Nho có 7 công nhân làm việc thì thời điểm cận tết, bà phải thuê thêm 8 người nữa. Tất cả đều tập trung gói, nấu bánh chưng để kịp giao cho khách hàng.
Dịp cận tết này, nhiều gia đình làm bánh khác ở làng Khổng Yên như gia đình bà Hà Thị Liên (tổ dân phố Đại Thành), bà Nguyễn Thị Hảo (tổ dân phố Hùng Dũng)… cũng đều giảm bớt hoặc tạm dừng sản xuất bánh gai để tập trung nhân lực và dành thời gian cho việc sản xuất bánh chưng.
Không chỉ lá dong, các hộ dân đều đã chuẩn bị hàng tấn gạo nếp và đậu xanh để phục vụ việc gói bánh chưng.
Để sản xuất bánh chưng với số lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 1 tuần), người dân làm bánh Khổng Yên đã vận dụng công nghệ hiện đại vào công việc của mình.
Bà Nguyễn Thị Toàn (89 tuổi, tổ dân phố Hùng Dũng) cho biết: “Trước đây, khâu vất vả nhất trong làm bánh chưng ở làng chúng tôi là nấu bánh. Bởi, việc dùng nồi cỡ lớn và nấu bằng củi không chỉ mất nhiều thời gian, tốn kém… mà có khi sơ sểnh là hỏng cả mẻ bánh. Ngày nay, chúng tôi dùng tủ điện để hấp bánh vừa nhanh lại vừa chất lượng”.
Với việc dùng lò hấp điện, việc sản xuất bánh chưng ở làng nghề Khổng Yên dễ dàng hơn. Trong ảnh: Lò hấp bánh của gia đình bà Nguyễn Thị Toàn mỗi mẻ hấp được 400 chiếc bánh trong thời gian 3,5 - 4 giờ.
Làng nghề làm bánh Khổng Yên hiện nay có trên 50 hộ thường xuyên sản xuất bánh gai và bánh chưng thuộc các tổ dân phố: Hùng Dũng, Đại Thành, Tân Định, Đại Lợi. Trong đó, Hùng Dũng là tổ dân phố có số lượng gia đình làm nghề nhiều nhất với khoảng 30 hộ. Việc làm bánh cũng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/ tháng.
Được biết, dịp tết Nguyên đán này, làng nghề Khổng Yên cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 150.000 chiếc. Với giá 25 - 40.000 đồng/chiếc tùy loại, doanh số thu về từ việc gói bánh chưng của làng nghề ước đạt hơn 4,5 tỷ đồng; trừ chi phí nguyên liệu và tiền công, ước lãi 150 triệu đồng.
Nghề làm bánh đã giúp người dân làng nghề Khổng Yên có thu nhập khá và ổn định. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Toàn bên mẻ bánh 200 chiếc mới ra lò phục vụ khách hàng ở TP Hà Tĩnh.
Ông Bùi Ngọc Nhật - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết: “Cùng với sản xuất bánh chưng dịp tết và bánh gai quanh năm, nhiều hộ dân ở làng nghề Khổng Yên có thu nhập khá và ổn định. Vừa qua, địa phương chúng tôi cũng đã xây dựng thành công sản phẩm bánh gai Khổng Yên đạt chuẩn OCOP 3 sao”.