Làng nghề hương trầm Quỳ Châu hối hả vào vụ Tết
Những ngày cuối năm, các cơ sở sản xuất hương trầm Quỳ Châu đang hối hả làm việc để kịp giao hàng cho khách dịp Tết. Để làm ra được những búp hương trầm thơm đặc biệt của vùng miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải rất tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng công đoạn, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến việc quấn hương....
Làng nghề hối hả vào vụ Tết
Về thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vào những ngày giáp Tết mới thấy hết không khí rộn ràng của các cơ sở sản xuất hương trầm truyền thống. Mọi con đường, góc phố ở thị trấn này đều nghe thoang thoảng mùi hương trầm thơm ngào ngạt, dễ chịu. Đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh người người, nhà nhà ở các làng nghề đang tập trung cao độvới công việc để kịp giao hương cho khách dịp Tết.
Ông Đậu Công Hà, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan cho biết: Từ đầu tháng 10 cho đến Tết là thời điểm “nước rút” để các cơ sở sản xuất hương trầm hoàn thành các đơn hàng. Để làm ra được những búp hương trầm thơm đặc biệt của vùng miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải rất tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng công đoạn, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến việc quấn hương; tất bật đi mua nguyên liệu làm bột hương để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Ngay từ mùa hè, họ đã đi khắp vùng để đặt mua rễ cây hương bài để làm nguyên liệu chính. Đây là một loại cây thuộc loài thảo mộc, lá dài xanh ngắt, thường mọc thành từng bụi, từng đám lớn ven khe suối hay trên sườn đồi, dưới những tán lá rậm ẩm mát.
“Cây rễ hương càng già thì càng nhiều tinh dầu, hương càng đậm đặc ngát thơm. Sau khi thu hoạch, rễ hương được rửa sạch, phơi khô pha trộn với một ít hương liệu thảo dược tự nhiên khác như: trầm, thảo quả, quế chi, hoa hồi, bã mía... rồi tán nhỏ thành bột theo tỉ lệ gia truyền. Nếu bột pha đúng tỉ lệ thì khi cháy khói hương tạo nên một mùi thơm ngát, đặc trưng riêng của hương trầm Quỳ Châu mà không lẫn vào đâu được”, ông Hà chia sẻ.
Ngoài pha bột, công đoạn làm chu hương cũng rất quan trọng. Chu hương được làm từ cây nứa, cây lùng rồi cắt thành từng ống dài khoảng từ 50-200cm ứng với kích thước dài ngắn của từng loại hương. Sau khi những ống này được chẻ nhỏ, vót đều thành chu thì đem ngâm nước vài tháng rồi vớt lên phơi khô. Nhờ quá trình ngâm nước, tẩy rửa mà chu hương cháy đượm, tàn hương không bị rụng mà uốn thành hình xoắn cong.
Bà Lê Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất Thân Hương chia sẻ, “nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 30 - 40 năm nay. Vào vụ Tết, cơ sở sản xuất hương của bà phải thuê chục công nhân thay nhau quấn hương từ sáng đến tối mới kịp giao hàng cho khách. Nếu làm việc chăm chỉ mỗi người một ngày cũng có thu nhập từ 200 đến 250 ngàn đồng. Năm nay, cơ sở của bà làm gần 1 triệu que hương, sau khi trừ đi chi phí gia đình còn lãi vài trăm triệu đồng”.
Phát triển thương hiệu hương trầm Quỳ Châu
Ông Võ Thanh Tịch, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc cho biết: Hiện địa phương có 40 hộ, cơ sở sản xuất trầm hương với khoảng 40 triệu que mỗi năm, doanh thu khoảng 18 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Năm 2019, thương hiệu Trầm hương Quỳ Châu đã được Cục sở hữu trí tuệ Công nhận đăng ký bảo hộ và được Sở Khoa học nghệ công nhận bảo hộ thương hiệu và sản phẩm. Hiện đã có 3 cơ sở đã được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP.
“Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho người lao động, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu còn là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa và con người. Để phát triển làng nghề hương trầm Quỳ Châu, thị trấn sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đưa các hộ vào sản xuất quy quy mô nhóm hộ, phát triển theo "chuỗi giá trị sản phẩm". Đồng thời, quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, trong đó có cây hương bài một loại nguyên liệu đặc trưng của trầm hương Quỳ Châu”, ông Tịnh chia sẻ.
Ông Lô Văn Thế,Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết, hiện huyện có 3 làng nghề và 1 làng có nghề sản xuất hương trầm được UBND tỉnh công nhận, tập trung ở thị trấn Tân Lạc, các xã Châu Hạnh, Châu Bình và Châu Tiến. Hương trầm là sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sản lượng hương hàng năm đạt khoảng 80-90 triệu que với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Có 220 cơ sở sản xuất hương trầm, tạo công ăn việc làm làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.