Lắng nghe ký ức
Trong không gian của bảo tàng sáng 1-5, đa phần là người trẻ. Họ không chọn một chuyến du lịch dài ngày hay đi chơi cùng bạn bè, họ đến bảo tàng để nghe thật kỹ những điều thuộc về ký ức…
1. Trong con hẻm 70 thông qua 2 đường .Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, ngôi nhà ở địa chỉ 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TPHCM) nhìn từ bên ngoài cũng bình thường như những căn nhà cấp 4 khác, nhưng bên trong là cả một sức chứa “khủng”. Nơi này đã góp phần làm nên những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Hầm bí mật trong nhà được thiết kế kỳ công, cất giấu gần 2 tấn vũ khí, 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK, súng B40 và 3.000 viên đạn… để chuẩn bị cho trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968.
Nhóm bạn trẻ chưa hết ngạc nhiên với kho vũ khí ẩn mình ngay trong lòng thành phố, thì bác Nguyễn Thanh Chi (trông coi di tích cấp quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập-Tết Mậu Thân 1968”) cung cấp thêm thông tin: “Trong trận Mậu Thân năm 1968, đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 tết, các chiến sĩ của Biệt động đội 5 tập trung về đây nhận vũ khí, rồi xuất phát trên 3 chiếc ô tô và 1 xe máy tiến về Dinh Độc Lập”.
Câu chuyện dừng lại để nhóm khách nhìn từng hiện vật trong ngôi nhà. Bạn trẻ Nguyễn Hoài Hoàng Lan (24 tuổi, ngụ quận 4) chia sẻ: “Lâu nay, tôi có thấy bạn bè đi tham quan rồi chia sẻ hình ảnh trên trang cá nhân, đây là lần đầu tiên tôi tới đây. Sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng tôi vẫn chưa biết hết về những địa chỉ đỏ, câu chuyện lịch sử một thời. Có rất nhiều điều để mình lắng nghe và tìm hiểu. Dịp lễ này lại được nghe câu chuyện lịch sử, trong một không gian của lịch sử, càng thấy tự hào và biết ơn thế hệ trước”.
Xuống hầm bí mật và tìm hiểu thật kỹ những hiện vật trưng bày, bạn Dương Anh Đạt (20 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Dịp lễ này được nghỉ dài ngày nên tụi em rủ nhau xuống đây tìm hiểu về các di tích của Biệt động Sài Gòn, chứ bữa giờ chỉ đọc trên báo, trên sách thôi hà. Tuy nắng nóng và di chuyển xa một chút nhưng chuyến đi của tụi em thực sự nhiều ý nghĩa”.
2. Nhóm bạn trẻ “Tản Mạn Kiến.Trúc” (dự án chia sẻ kiến trúc Nam bộ, thành lập từ năm 2019) dành trọn những ngày nghỉ lễ làm “cuộc tản bộ” qua các công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương đặc trưng trong thành phố như Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM…
Men theo những đan cài giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, nhóm bạn trẻ tìm hiểu về giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 20, bối cảnh ra đời của phong cách Đông Dương, bên cạnh những vấn đề xã hội, thẩm mỹ đặc thù của thời kỳ này.
Ghi chép và phác thảo lại cẩn thận cùng sự hướng dẫn của các thành viên được đào tạo chuyên về kiến trúc, mỗi người tham gia tự phác thảo lại những kiến trúc Đông Dương theo cảm nhận của mình. Nói về lý do bắt đầu cùng nhóm “Tản Mạn Kiến Trúc”, Trịnh Nguyễn Anh Nguyên (thành viên nhóm) tâm sự: “Chúng mình là người trẻ nên chúng mình hiểu người trẻ, đặc biệt là người trẻ đô thị đang có một tình yêu sâu sắc với các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, đi tìm căn tính của dân tộc và chính bản thân mỗi người. Và tụi mình xác định rằng trong cuộc tìm kiếm đó, những giá trị di sản của kiến trúc là một thành tố quan trọng phải được tìm hiểu”.
Cùng với tìm hiểu vẻ đẹp của công trình kiến trúc Đông Dương, những kỷ vật lịch sử cũng được người trẻ trong nhóm tìm về. Dừng lại trong không gian trưng bày kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ ở Bảo tàng TPHCM, Trần Thị Tú Trinh (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Những ngày lễ, không muốn đi du lịch xa một phần vì tôi còn công việc, một phần muốn dành thời gian để đi một vòng ngắm nhìn, tìm hiểu thành phố mình đang sống. Quê tôi ở Đồng Tháp, lên thành phố học tập và làm việc nhiều năm rồi, tôi luôn tìm hiểu và thấy mảnh đất này có nhiều câu chuyện rất hay từ lịch sử cho đến hôm nay”.
Bằng một cách nào đó, giá trị của ngày hôm qua vẫn được người hôm nay nhắc nhớ và dẫu là thế hệ nào, lịch sử vẫn luôn được đặt ở vị trí trân trọng.
Với di sản trăm năm, bảo tàng, công trình kiến trúc hay kỷ vật, để bảo tồn và phát huy giá trị tốt nhất, có lẽ chính là những tương tác của cộng đồng, của lớp trẻ hôm nay. Dẫu là 100 năm, 1.000 năm hay bao nhiêu năm nữa trôi qua, giữa những điều đã lãng quên, ký ức còn đọng lại, hẳn là cội nguồn và bản sắc.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-nghe-ky-uc-post687987.html