Khi nhắc đến Hội An, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến phố cổ với những chiếc đèn lồng lung linh đầy sắc màu. Có thể nói rằng, đèn lồng đã góp phần tạo nên thương hiệu, mang đến vẻ đẹp rất riêng cho phố cổ Hội An.
Nghề làm đèn lồng Hội An được vinh danh là làng nghề tiêu biểu Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng năm 2011.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Linh (chủ cơ sở đèn lồng Hà Linh, khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu, TP Hội An) không nhớ nghề làm lồng đèn Hội An của gia đình đã có từ khi nào, chỉ biết ngay từ khi còn nhỏ đã lớn lên cùng những chiếc đèn lồng đủ màu sắc rực rỡ. Chị Tuyền cho biết, đèn lồng làm quanh năm, nhưng mỗi dịp Trung Thu, Tết Nguyên đán thì được đặt mua nhiều hơn cả. Đèn lồng Hội An rất được ưa chuộng bởi các khách hàng trong cả nước.
Những ngày này, ở cơ sở Hà Linh, những người thợ làm lồng đèn đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng cuối cùng để kịp chuyển đến các cửa hàng bán lồng đèn trong cả nước kịp lên kệ trước dịp Trung Thu.
Nhìn những chiếc đèn lồng tre mộc mạc và bình dị này mấy ai có thể thấy hết được sự kì công từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất.
Để làm một chiếc lồng đèn cần 2 khâu chính đó là làm khung và bọc vải.
Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt, sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Sau này, để phục vụ cho những sự kiện phải di chuyển nhiều, trưng ngoài trời cần sự chắc chắc …khung lồng đèn được làm bằng kim loại.
Đối với những lồng đèn đơn giản cần có sự cân đối ở hai đầu, còn các lồng đèn phức tạp cần có sự khéo léo cố định những vị trí lồi, lõm và phải đảm bảo tính hài hòa, các tỷ lệ của hình dạng phải thực hiện.
Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, gấm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Vì vậy, chiếc đèn lồng khi hoàn thành nhìn rất mềm mại, nhưng lại chắc chắn, nhẹ nhàng nhưng rất lung linh, như một phần tính cách của người Hội An.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đèn lồng Hội An bây giờ có nhiều kích cỡ, hình dạng, màu sắc, mẫu mã từ đơn giản như hình tròn, hình lục giác, bát giác… đến những mẫu phức tạp như hình mẫu 12 con giáp, đèn kéo quân…. Đèn lồng bằng tre ngày nay cũng được các nghệ nhân sáng tạo có thể xếp gọn để mở ra hoặc xếp lại thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa.
Theo chị Diệu Linh, nghề làm đèn lồng không khó, chỉ cần sự chăm chỉ, cần cù, tỉ mỉ và đặc biệt là có một chút khéo tay. “Bây giờ thì mẫu đèn nào chị cũng làm được. Nghề này không chỉ mang lại thu nhập ổn định, mà còn phù hợp với nếp sống, tính cách của người Hội An nhẹ nhàng, tỉ mẩn và khéo léo”, chị Diệu Linh chia sẻ.
Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ XVI khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư lâu dài. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi.
Những ngày này, trong cơ sở sản xuất đèn lồng Minh Hiền (phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam), ông Minh đang tất bật hoàn thiện các đơn đặt hàng để giao cho khách. Dịp Tết Trung thu này, mỗi ngày cơ sở Minh Hiền cung cấp ra thị trường từ 200 – 600 chiếc đèn lồng, nhiều gấp 3 lần so với ngày thường.
“Khách hàng chủ yếu là các cơ sở kinh doanh đèn lồng hoặc một số doanh nghiệp, đơn vị mua về trang trí trong dịp Tết Trung thu”, ông Minh cho biết.
Du khách đến Hội An không thể thiếu những bức ảnh checkin cùng đèn lồng
Nhiều du khách nước ngoài cũng rất thích thú với những chiếc đèn lồng đẹp lung linh được bày bán trên đường phố Hội An. Càng về đêm, người dân và du khách từ mọi lứa tuổi đổ về vui chơi, mua sắm càng đông khiến các khu phố bán lồng đèn ở Hội An trở nên rộn ràng, náo nhiệt hẳn lên.
Phố lồng đèn ở Hội An những ngày này thu hút hàng ngàn người đến vui chơi mỗi đêm.
Phố cổ Hội An được chiếu sáng bởi những chiếc đèn đa màu sắc.