Làng nghề mộc Đại Nghiệp liên kết cùng phát triển

Nhằm tập hợp các hộ sản xuất để cùng phát triển, UBND huyện Phú Xuyên đã ra quyết định thành lập Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Đại Nghiệp. Sáng 19/9, Hội đã tổ chức đại hội khóa đầu tiên và ra mắt ban chấp hành.

 Hội làng nghề mộc Đại Nghiệp tổ chức đại hội lần thứ nhất

Hội làng nghề mộc Đại Nghiệp tổ chức đại hội lần thứ nhất

Làng nghề mộc Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên có truyền thống lâu đời. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại đồ gỗ cao cấp như sập, tủ quần áo, tủ thờ, khay, hộp, bàn, ghế, giường... với những hoa văn, đường nét chạm trổ tinh xảo. Tất cả các sản phẩm đều được chăm chút rất cẩn thận, tỉ mỉ. Với các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mẫu mã, những sản phẩm gỗ gia dụng của người dân Đại Nghiệp đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những sảm phẩm tinh xảo, chất lượng còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

Làng nghề cho hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Năm 2018 giá trị thu nhập từ sản xuất làng nghề đạt trên 72 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng thu nhập trong làng. Thu nhập bình quân lao động tham gia sản xuất làm nghề từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, góp phần cùng cả xã xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018... Hiện tại, Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Đại Nghiệp đã vận động được 40 hội viên tham gia.

Tân Chủ tịch Hội làng nghề Đại Nghiệp Hoàng Văn Luận cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế đối với việc phát triển làng nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện tốt công tác khôi phục, bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch. Phối hợp với các tổ chức để liên doanh, liên kết hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; xây dựng nhãn mác, thương hiệu làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm mới mở rộng thị trường xuất khẩu; tổ chức các hội nghị liên doanh với các DN ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm không qua trung gian.

Đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề phù hợp với năng lực, khả năng của Nhân dân, đảm bảo thu nhập và mang tính bền vững. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân trong làng tham gia vào Hội làng nghề. Phấn đấu đến hết năm 2020 có trên 90% các hộ sản xuất trong làng tham gia vào Hội.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lang-nghe-moc-dai-nghiep-lien-ket-de-cung-phat-trien-352897.html