Làng nghề nầu rượu Phú Lộc: Tập trung cải thiện môi trường
MôI trường ở làng nghề nấu rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) hiện nay đã được cải thiện đáng kể.
Trong danh sách "đen" về môi trường
Phú Lộc là làng nghề nấu rượu nổi tiếng của tỉnh. Có thời điểm nghề nấu rượu đã phát triển mạnh với hơn 350 hộ làm nghề. Nhờ nấu rượu, nghề chăn nuôi lợn cũng phát triển theo, có lúc tổng đàn lợn của cả thôn lên tới hơn 3.000 con. Thời điểm đó, do ý thức người dân còn hạn chế, toàn bộ nước, chất thải từ nấu rượu và chăn nuôi đều được đổ trực tiếp ra ao hồ, đồng ruộng...
Cùng với làng nghề da giày Hoàng Diệu (Gia Lộc), Phú Lộc từng nằm trong danh sách "đen" về ô nhiễm môi trường. Làng nghề này cũng nằm trong danh sách 47 làng nghề ô nhiễm nhất Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Thời điểm đó kết quả quan trắc cho thấy, nước thải làng nghề rượu Phú Lộc bị ô nhiễm nghiêm trọng, các thành phần COD, TSS, COD, BOD5, N-NH3... đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Nước trong hệ thống kênh mương luôn có màu trắng đục. Nhiều ao trong làng trở thành nơi chứa nước thải, rác thải cùng với bùn, cỏ dại và bèo tây ken dày đặc. Những ao này trở thành nơi trú ngụ của ruồi, muỗi. Mùi hôi thối nồng nặc luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Nhiều thửa ruộng gần làng do nước thải tràn ra cũng không thể cấy lúa. Ô nhiễm môi trường ở Phú Lộc đã từng khiến nhiều người dân lo sợ cho sức khỏe của chính mình. Nhưng bây giờ về Phú Lộc, kênh mương không còn đục ngàu, vẩn đục và bốc mùi hôi thối, khó chịu như nhiều năm trước. Người dân đã có ý thức tốt hơn để bảo vệ môi trường sống.
Cụ Hoàng Văn Biên (87 tuổi) từng nhiều năm làm lãnh đạo xã Cẩm Vũ khẳng định: "Làng nghề Phú Lộc hiện chỉ còn hơn 100 hộ nấu rượu thường xuyên với quy mô từ 20-30 lít/ngày. Lớn nhất là Công ty TNHH Rượu Phú Lộc nấu 5 tạ gạo, thu khoảng 300 lít rượu/ngày. Mấy năm nay, kênh mương đã được kiên cố hóa nên môi trường xung quanh cũng được giữ gìn sạch sẽ hơn. Trước đây không ai dám ngồi ở bờ kênh vì mùi hôi". Còn theo ông Hoàng Văn Phú, Phó Trưởng thôn Phú Lộc, từ nhiều năm nay, cứ vào mùa nắng nóng, từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là cả làng Phú Lộc ngừng nấu rượu. Thời gian qua, chăn nuôi bấp bênh, dịch bệnh nhiều nên số hộ nuôi lợn trong làng cũng giảm đáng kể. Gần đây do bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lợn nuôi trong làng bị tiêu hủy gần hết. Vì thế, môi trường ở làng nghề Phú Lộc đã bớt ô nhiễm.
Nâng cao ý thức người dân
Thời gian gần đây, chính quyền xã cùng người dân Phú Lộc đã quan tâm bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nghề bền vững. Xã Cẩm Vũ đã xác định các điểm "đen" trên địa bàn gây ra ô nhiễm để triển khai hàng loạt biện pháp xử lý. Mô hình hầm khí biogas tại gia đình được nhân rộng nên đã góp phần xử lý một lượng lớn chất thải từ chăn nuôi lợn và từ nấu rượu thải ra hằng ngày. Hiện nay, tất cả các hộ làm nghề nấu rượu, chăn nuôi từ 10 con lợn trở lên trong thôn đều đã xây hầm biogas. Cả thôn có khoảng 600 hầm biogas. Hệ thống kênh mương trong khu vực được nâng cấp, kiên cố bằng bê tông, gạch, nhằm hạn chế tình trạng người dân xả thẳng nước thải ra môi trường. Xã Cẩm Vũ đã tích cực vận động người dân trong thôn đầu tư kỹ thuật mới trong sản xuất rượu để hạn chế thải nước bẩn ra môi trường. Chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín gắn với xử lý nước, chất thải tại chỗ để giữ gìn môi trường trong thôn. Ông Đào Hữu Thạo, cán bộ địa chính - xây dựng - môi trường xã Cẩm Vũ cho biết: "Ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao hơn nhiều so với trước. Trong tháng 6 vừa qua, có hộ chăn nuôi vô tình bị vỡ đường ống thu nước thải làm chảy tràn ra đường ngõ, bà con xung quanh đã gọi ngay chúng tôi đến phối hợp với thôn và gia đình đó xử lý kịp thời".
Làng Phú Lộc hôm nay đã đổi thay nhiều, đường làng, ngõ xóm, rãnh thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh. Nước thải đều được xử lý qua hầm biogas, bã rượu dành cho chăn nuôi lợn, gà, cá... Rác thải ở làng nghề được thu gom trong ngày và mang ra bãi xử lý tập trung của xã. Cùng với 2 thôn Nghĩa Phú và Hoàng Gia, Phú Lộc cũng tổ chức cho nhân dân tổng vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống theo tháng. Các tuyến đường trục thôn, xóm đều được Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tự quản. Các tổ chức hội cũng tự tổ chức các "Ngày chủ nhật xanh" để bảo vệ môi trường...
Theo ông Nguyễn Xuân Lịch, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng, môi trường làng nghề Phú Lộc đã được cải thiện tích cực. Người dân biết rằng không thể chỉ vì những lợi ích về kinh tế mà bỏ quên bảo vệ môi trường. Làng nghề đang làm thủ tục đề nghị ra khỏi danh sách "đen" về ô nhiễm môi trường.
Mặc dù môi trường ở làng nghề rượu Phú Lộc đã được cải thiện nhiều so với trước song vẫn cần sự giám sát tích cực của các cơ quan chức năng, sẵn sàng "tuýt còi" những cơ sở, hộ nấu rượu hoặc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Người dân trong thôn cần tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hành sản xuất sạch, chăn nuôi khép kín an toàn để bảo vệ làng nghề xanh, sạch.