Lắng nghe người dân
Hòa trong không khí náo nức của kỳ nghỉ lễ, niềm vui với người dân quê tôi như nhân lên, khi những ý kiến đóng góp về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới đã được các cấp lắng nghe, thay đổi kịp thời, phù hợp.

TP Thanh Hóa tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của Nhân dân trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: BTH
Mấy tháng trước, khi biết về chủ trương kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sáp nhập xã, thành lập mô hình địa phương hai cấp gồm: cấp tỉnh và cấp xã, người dân quê tôi đều nhất trí, ủng hộ cao. Vậy nhưng thời gian gần đây, nghe thông báo về phương án dự kiến đặt tên xã mới, bà con lại tâm tư không ít.
Quê tôi, một miền quê văn vật chứa đựng nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử. Không quá lời khi tự hào nói rằng, tên gọi quê tôi từ lâu đã trở thành một “địa chỉ” văn hóa được nhiều người biết đến. Và cũng chẳng phải chỉ riêng xã tôi, nhìn rộng ra ở cả vùng đất này, những địa danh làng xã chứa đựng bao nét đẹp văn hóa truyền thống. Ấy vậy mà, trong phương án tên xã mới sau khi sáp nhập dự kiến sẽ được... đánh số.
Việc lấy tên huyện (cũ) và “đánh số” thứ tự để đặt tên cho xã mới, ở khía cạnh nào đó cũng có cái lý. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, ở góc nhìn văn hóa, lịch sử hằng trăm năm, rồi cả câu chuyện kế thừa, tiếp nối để phát triển, thì tên gọi hành chính mới được “gắn số” quả thực chưa mang nhiều ý nghĩa. Có bậc lão niên trong làng khi được hỏi đã thẳng thắn bày tỏ: “Xã chúng ta nói riêng, vùng đất này nói chung còn biết bao tên gọi hay và ý nghĩa. Việc đặt tên xã mới cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo hơn để đi đến một tên gọi bao hàm ý nghĩa, hợp lòng dân”.
Và những tâm tư, ý kiến chân thành của người dân quê tôi đã được các cấp lắng nghe. Một cuộc trưng cầu, lấy ý kiến người dân được tổ chức lại. Lần này, phương án về tên gọi đơn vị hành chính xã mới sau khi công bố, người dân quê tôi đại đa số đều đồng thuận, nhất trí cao. Người làng trên, xóm dưới luận bàn vui vẻ. Một cái tên vừa là địa danh có tiếng, vừa mang bản sắc văn hóa, vừa chứa đựng yếu tố lịch sử.
Ông giáo già là người nhiều tâm tư trong việc đặt tên xã mới, phấn khởi: “Đấy, bà con cứ nói cấp trên quyết rồi, có ý kiến cũng không thay đổi được. Nhưng sự việc lần này cho thấy, khi nguyện vọng của người dân là hợp lý, vì cái chung thì nhất định sẽ được các cấp lắng nghe, thay đổi kịp thời. Tôi luôn tin, khi ý Đảng - lòng Dân đồng thuận, mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt đẹp”.
Trước đó, với nhiều ý kiến băn khoăn và kiến nghị của Nhân dân về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới gắn số thứ tự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có có công văn chỉ đạo yêu cầu một số địa phương trong tỉnh họp bàn kỹ càng, thấu đáo để thống nhất lại tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới. Ngay sau đó, nhiều địa phương đã nhanh chóng tổ chức các hội nghị thảo luận.
Trên tinh thần lắng nghe ý kiến Nhân dân, ở nhiều địa phương thay vì “đánh số”, hàng loạt những địa danh mang dấu ấn lịch sử, văn hóa cũng đã được sử dụng để đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã mới, như Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Tây Đô, Biện Thượng, Hoằng Lộc...
Không lâu nữa, những đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập sẽ mang tên mới. Những tên gọi hợp lòng dân.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-nghe-nguoi-dan-36928.htm