Lắng nghe người dân hiến kế: Đầu tư nâng cao ý thức cho công dân

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thì đầu tư vào tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân cũng rất quan trọng

Thực tế cho thấy tình trạng kẹt xe, ngập nước ở TP HCM có nguyên nhân từ ý thức người dân.

Tập trung cho tuyên truyền

Trong việc tuyên truyền không xả rác nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn... được đề cập thời gian gần đây, mỗi tổ dân phố, khu phố rồi phường, xã, quận, huyện trên địa bàn TP HCM đều thực hiện nhưng có vẻ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nơi khu phố tôi sống, bảng dán tuyên truyền phân loại rác có ở khắp nơi. Mỗi tuần, tổ trưởng dân phố đều đến từng nhà phát 3 loại sticker (miếng dán) để phân loại rác thải hữu cơ, rác tái chế và rác thải khác. Một số nhà thực hiện, một số nhà vẫn để lẫn các loại rác như cũ và người gom rác vứt lẫn các loại rác với nhau lên xe khi thu gom, xé các bao để tìm đồ ve chai... Rốt cuộc, đâu lại vào đấy. Vậy cách làm có vẻ nặng hình thức chứ không tạo ra hiệu quả và làm nản lòng những gia đình thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác.

Muốn thay đổi, phải thay đổi cách làm đồng bộ. Mỗi gia đình cần có ý thức phân loại rác tại nguồn, người đi thu gom rác cũng phải có xe rác có 3 ngăn riêng, chỉ thu rác từ các gia đình đã được phân loại đúng, không để lẫn lộn sau khi thu gom, rồi xe chở rác lớn ở nơi nhận rác cũng phải tuân thủ: nhắc nhở, yêu cầu người thu gom rác phân đúng loại mới nhận chở đi. Để làm như vậy, cần chính sách của TP hoặc địa phương hỗ trợ thêm chi phí cho những người tuân thủ nghiêm mà trước hết là người thu gom rác từ nguồn.

Khi lên đến nhà máy xử lý rác thì đưa rác đã phân loại vào từng khu, vừa tiết kiệm chi phí phân loại, xử lý rác vừa giảm ô nhiễm môi trường. Hiện chi phí đầu tư nhà máy xử lý rác của TP không nhỏ, công suất của nhà máy cũng chưa đủ xử lý hết lượng rác TP thải ra mỗi ngày. Vậy thay vì đầu tư làm nhà máy rác, tập trung cho khâu xử lý rác tại nguồn và tuyên truyền là góp phần giảm lượng rác thải và khâu xử lý đầu vào cho nhà máy. Nên thí điểm ở một số khu phố văn hóa, một vài nơi làm tốt rồi nhân rộng mô hình ra cả phường, quận và TP.

Ở nơi công cộng, người dân, người bán hàng rong vô tư xem cống rãnh là nơi chứa rác. Thí điểm ở những nơi cho phép kinh doanh, mua bán, những tuyến đường chính theo cách vỉa hè, lề đường có doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh... thì khu vực đó được giao cho họ quản lý việc vệ sinh, phân loại rác. Bảo đảm khu vực mình quản lý phải sạch sẽ, phân loại rác đúng.

Cần chiến dịch tuyên truyền ý thức người dân không xả rác bằng những mô hình cụ thể, áp dụng ban đầu từ tổ dân phố, khu phố… rồi từ đó nhân rộng ra cả TP, trở thành phong trào hiệu quả, lan tỏa. Chiến dịch tuyên truyền, áp dụng thử ở một số nơi cũng là cách để rút kinh nghiệm, thay đổi cho phù hợp trước khi triển khai mở rộng ra cả TP.

Kẹt xe, ngập nước ở TP HCM có nguyên nhân xuất phát từ ý thức người dân Ảnh: Gia Minh

Kẹt xe, ngập nước ở TP HCM có nguyên nhân xuất phát từ ý thức người dân Ảnh: Gia Minh

Làm bài bản, thực tế

Ở TP HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước có một tình huống rất phổ biến. Khu vực nào xe đông mà không có cảnh sát, dân quân tự vệ hoặc người hướng dẫn là nơi đó… kẹt xe. Dẫn trường hợp này để thấy kẹt xe không hẳn do cơ sở hạ tầng giao thông của TP còn thiếu.

Do đó, bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng giao thông thì đầu tư vào tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân cũng rất quan trọng. Tuyên truyền đi kèm biện pháp chế tài để giáo dục và răn đe. Muốn hiệu quả, xây dựng mô hình thí điểm ở một khu vực, tuyến đường nào đó rồi nhân rộng.

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên ý thức văn hóa của công dân TP cũng cần được đầu tư, tuyên truyền thông qua những chiến dịch, cách làm bài bản, thực tế. Vì sao Đà Nẵng được xem là TP đáng sống nhất, không có ăn xin, bãi biển không có rác? Vì sao ở Thụy Sĩ đi xe buýt công cộng đều tự động, hành khách tự trả tiền tại cột bán vé và không có nhân viên thu vé? Ở Nhật, một đứa bé 2 tuổi khi đi học mẫu giáo thỉnh thoảng được hoạt động ngoại khóa bằng cách mang túi ni-lông ra khu vực lân cận hoặc công viên để nhặt rác, không có rác thì nhặt… lá cây, để tập ý thức.

Ý thức được hình thành từ những việc nhỏ nhất và TP có thể đầu tư - không quá tốn kinh phí so với các chương trình khác - cho những chiến dịch, kế hoạch, giải pháp về ý thức. Ý thức để cùng nhau phát triển trong một TP không rác, không kẹt xe... Nghe có vẻ không liên quan nhưng kỳ thật, ảnh hưởng đến sự phát triển của một TP văn minh, hiện đại.

Mời tham gia cuộc thi

Từ ngày 24-9, Báo Người Lao Ðộng phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế". Nội dung tác phẩm dự thi là những hiến kế gần gũi với đời sống, phục vụ tốt cho cộng đồng và sự phát triển của TP cũng như cả nước; những hiến kế về việc xây dựng, sửa chữa, quy hoạch đô thị, giao thông, cầu đường, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, khởi nghiệp... Tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; được tính từ ngày 24-9 đến hết ngày 31-12-2019.

Các tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (vui lòng để lại thông tin liên hệ: số điện thoại). Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng) được công bố và trao vào quý I/2020.

Đơn vị đồng hành:

TS HUỲNH TRUNG MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-dau-tu-nang-cao-y-thuc-cho-cong-dan-20191203213819231.htm