Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển phố đi bộ theo hướng hiện đại, văn minh
Thêm nhiều khu vực đi bộ, tăng không gian xanh, thúc đẩy giao thông công cộng là điều ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, tổ chức giao thông bên trong và xung quanh khu vực này là bài toán không đơn giản
Tháng 9-2020, Sở Giao thông Vận tải TP HCM có văn bản gửi các ban ngành về việc góp ý báo cáo cuối kỳ đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM. Trong đó, nhận được nhiều sự ủng hộ nhất là phương án phố đi bộ ưu tiên cho 5 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Theo nhiều chuyên gia, việc tổ chức phố đi bộ ở khu vực này bảo đảm tính kết nối, an toàn. Tại khu vực này còn có nhiều tiện ích, địa điểm để thu hút người dân, khách du lịch đi bộ tham quan.
Nhiều vấn đề cần đặt ra
Cuối tháng 11-2020, phố đi bộ khu vực Kỳ đài Quang Trung, quận 10 được đưa vào hoạt động với gần 50 gian hàng, chủ yếu bày bán quần áo, phụ kiện, đồ lưu niệm và quầy ẩm thực. Đến tháng 12-2020, UBND quận 3 đề xuất tổ chức phố đi bộ Hồ Con Rùa và phố đi bộ tuyến Nguyễn Thượng Hiền.Trước đó, UBND quận 4 nhiều lần đề xuất xây dựng các tuyến đường đi bộ, hình thành chợ đêm để phát triển du lịch, kinh tế đêm cho quận cũng như TP.
Tổ chức không gian đi bộ là một trong những giải pháp và chiến lược về mặt quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện và đáng sống. Nếu có thể liên kết nhiều tuyến đi bộ với nhau, nhất là ở khu trung tâm TP thì sẽ có tác dụng tốt cho đô thị, giảm giao thông cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, tăng không gian công cộng để phục vụ người dân… Tuy nhiên, các dự án phố đi bộ từng triển khai trên thực tế đã đặt ra cho công tác quản lý, chỉnh trang không gian công cộng của trung tâm TP một số vấn đề về mặt thiết kế, chức năng sử dụng, tính hữu dụng, sự hợp lý trong phân khu chức năng và khả năng kết nối mở rộng.
Khả năng sử dụng không gian trên trục đường Nguyễn Huệ chỉ diễn ra trong một số thời điểm nhất định, tập trung vào buổi chiều tối. Hiện cả con đường đang là một khu vực bị bê-tông hóa, ban ngày, nhất là buổi trưa, không ai có thể đi bộ ở đây. Phố đi bộ Bùi Viện không khác nào con đường quán xá, ăn nhậu, chỉ có thể tổ chức đi bộ được vào buổi tối hai ngày cuối tuần.
Thực tế từ 2 tuyến phố đi bộ hiện hữu này còn cho thấy không ít hàng quán, hàng rong tự phát dọc các tuyến phố gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa kể còn tình trạng hét giá; chưa bố trí bãi giữ xe phù hợp hoặc có nhưng quá tải và giá giữ xe quá đắt; các CLB giải trí gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn; khách đi bộ dẫn theo thú nuôi gây mất vệ sinh; nhà vệ sinh còn nhếch nhác… Đó là còn chưa nói đến vào mỗi dịp tổ chức lễ hội, sự kiện, chỉ cần cấm xe ở vài con đường khu trung tâm, giao thông ở các khu vực gần đó sẽ ùn tắc, lộn xộn.
Khi chưa có bãi giữ xe ngầm, hệ thống giao thông công cộng chưa thể kết nối thông suốt với khu vực trung tâm sẽ rất khó có giải pháp khả thi cho việc mở rộng các tuyến phố đi bộ. TP HCM từng quy hoạch nhiều bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm nhưng gần hai thập niên qua vẫn chưa có dự án nào được xây dựng.
Nghiên cứu thấu đáo, phát triển hài hòa
Tăng không gian đi bộ trong khu trung tâm là một trong những giải pháp nhằm hạn chế lượng xe cá nhân lưu thông vào trung tâm. Tuy nhiên, nếu "khóa" toàn bộ khu trung tâm, chỉ để người dân đi bộ thì phải giải quyết cho được bài toán giao thông bên ngoài. Bởi lẽ, dù là tuyến phố đi bộ toàn thời gian, bán thời gian hay tuyến phố ưu tiên đi bộ thì đều hạn chế phương tiện qua các trục giao thông. Điều này sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến việc đi lại và sinh kế của người dân trong khu vực. Do vậy cần bàn bạc, tính toán kỹ hơn.
Xu hướng sử dụng một tuyến phố vài trăm mét rồi đóng không cho giao thông, rồi nhân rộng ra quận nào cũng có thì sẽ là phát triển thiếu bền vững. Trong khi thời gian qua, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, đa số con phố không còn thân thiện với người đi bộ. Thay vì đua nhau làm phố đi bộ, cần lập lại trật tự vỉa hè trên các tuyến phố. Để rồi đây chính là những phố đi bộ thân thiện, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và thu hút khách du lịch.
Phố đi bộ được thiết lập ngoài việc tập trung du khách đến thư giãn, giao lưu còn là nơi giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng của vùng miền… Một mặt tạo doanh thu cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời là một trong những kênh quảng bá có hiệu quả về hình ảnh điểm đến du lịch.
Để các tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả, TP cần khai thác thêm nhiều loại hoạt động cho phố đi bộ, như: đẩy mạnh loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố, tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc, các phiên chợ hàng hóa thủ công mỹ nghệ, lưu niệm đặc trưng; phát triển các trung tâm thương mại, khu vực mua sắm với các sản phẩm từ cao cấp đến hàng hóa lưu niệm truyền thống… Như vậy sẽ tạo cơ hội liên kết liên ngành (dịch vụ - du lịch - thương mại), liên vùng (TP và các tỉnh).
Nên quy hoạch, phát triển bờ Đông và Tây của sông Sài Gòn thành không gian đi bộ thông suốt với cảnh quan thiên nhiên mát mẻ, hạn chế chia cắt giao thông. Song song đó, xây dựng các cầu bộ hành quy mô hiện đại kết nối hai bờ, có cả nhà hàng, quán ăn, quầy lưu niệm hoặc các điểm dừng chân hóng mát.
Cần đặc biệt lưu ý hỗ trợ những đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em) thông qua việc bố trí làn đi bộ dành riêng. Bố trí thêm các trạm dừng đỗ taxi, xe công nghệ, xe điện đón khách trung chuyển đến những khu vực khác. Song song đó, ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ để các quy định khi ban hành không trái với quy định pháp luật nhằm dễ quản lý.
Một đô thị hiện đại không cần quá nhiều phố đi bộ kiểu chợ đêm. UBND TP cần làm "nhạc trưởng" để quy hoạch đô thị bài bản, chi tiết, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương mà vẫn mang tính đồng bộ, kết nối. Nếu làm tốt cũng sẽ giải quyết được nạn lấn chiếm lề đường, vỉa hè.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.