Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính
Để TP HCM trở thành một trung tâm tài chính, cần phải tạo ra được sự cộng hưởng của tất cả các nguồn lực; giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực
Từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP HCM.
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2019 (HEF 2019) với chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế" do UBND TP HCM chủ trì cho thấy đây cũng là chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương trong việc định hướng, xây dựng vị trí tầm cỡ, quan trọng của TP trong tương lai.
Kinh tế TP HCM vượt trội
Tất nhiên, để TP HCM có thể trở thành một TTTC đúng nghĩa của khu vực và quốc tế, TP cần làm không ít việc.
Hiện trạng kinh tế TP HCM là nền kinh tế của một nước đang phát triển và chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính ở TP HCM còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn khá nhỏ so với các đô thị khác trong khu vực, tỉ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP (tổng sản phẩm địa bàn) của TP còn thấp, chỉ đạt khoảng 52% (trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…). Những điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và kém an toàn.
Tuy vậy, vẫn có thể thấy rõ kinh tế TP HCM có những ưu thế riêng và vượt trội hơn hẳn so với nhiều địa phương khác. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế TP những năm gần đây luôn đạt mức hai con số (10%-12%). Mức tăng này cao gấp đôi so với mức trung bình cả nước. GDP của TP hiện đạt gần 23% GDP quốc gia. Ngân sách TP HCM giữ tỉ trọng xấp xỉ 27% (trên 1⁄4 ngân sách quốc gia). Tỉ lệ ngành nghề công nghệ cao của TP chiếm trên 30% (cao hơn mức trung bình cả nước). Các ngành dịch vụ của TP phát triển mạnh, khá ổn định và giữ một tỉ trọng gần 57% GDP của TP. Đó là chưa kể tỉ trọng của các ngành dịch vụ trọng yếu trong GDP của TP HCM như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải… cũng đang phát triển nhanh và chiếm 34% GDP của TP.
Các ngành dịch vụ, tư vấn khoa học - công nghệ, viễn thông, thông tin với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 17%/năm. Riêng công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin tăng 14,8%/năm. Các ngành du lịch, dịch vụ phát triển nhanh, hằng năm đón gần 50% lượng du khách của cả nước với hệ thống sân bay, bến cảng, khách sạn, khu du lịch khá tiện ích, hiện đại...
Thương mại phát triển tương đối đa dạng, mở rộng. Thương mại điện tử đang được phổ cập và phổ biến. Mức thu nhập bình quân tính theo đầu người của TP HCM cao gần gấp 3 lần mức thu nhập bình quân của cả nước.
Những việc cần làm để trở thành TTTC
Với những tiền đề đã nêu trên, để TP HCM trở thành một TTTC đúng nghĩa, nhà nước và các ngành chức năng phải biết tạo ra được sự cộng hưởng của tất cả các nguồn lực, cũng như phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Hãy xem qua các đặc trưng của Hồng Kông, Thượng Hải, London hay New York với vai trò là các TTTC toàn cầu. Ở đây, chúng ta thấy hệ sinh thái của một TTTC toàn cầu được kết hợp với 3 yếu tố chính: môi trường kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, hiệu quả ngành tài chính.
Để sớm trở thành TTTC của cả nước và khu vực, TP HCM cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây:
Kiến nghị Chính phủ cho phép tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ 18% lên 22%; cho phép ngân sách TP HCM tham gia điều tiết theo một tỉ lệ hợp lý trên nguồn thu dành 100% cho ngân sách trung ương, đặc biệt trong các ngành như dầu khí, hàng không, hàng hải, đường sắt, ngân hàng, bảo hiểm... bởi các nguồn thu này có quy mô lớn phát sinh trên địa bàn TP HCM; tăng tỉ lệ điều tiết trên tổng số thu vượt kế hoạch trong năm tài khóa đã được Quốc hội phê chuẩn...
Một TTTC cần phải có các ngân hàng có quy mô vốn lớn, ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực. TP HCM có thể thực hiện được thông qua các biện pháp mua - bán, sáp nhập (M&A) các ngân hàng quy mô trung bình và nhỏ, liên kết với ngân hàng nước ngoài và thu hút các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần kết nối với khu vực và quốc tế, nhằm thu hút tối đa đầu tư tài chính gián tiếp, do đó cũng phải đa dạng hóa các quỹ đầu tư tài chính kể cả các quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm… Ngoài ra, cần hình thành các công ty môi giới tài chính quốc tế, công ty kiểm toán quốc tế, trọng tài quốc tế, công ty quản lý tài sản quốc tế... phục vụ cho vận hành của trung tâm tài chính quốc tế về sau này.
Biết cách điều hành và sử dụng tốt các công cụ tài chính điều tiết hoạt động của TTTC như: tỉ giá hối đoái, lãi suất tín dụng, các công cụ tài chính phái sinh, các công cụ pháp chế để điều tiết linh hoạt các hoạt động của TTTC khu vực và quốc tế…
Nếu có phương án tốt kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vai trò của TP HCM càng được nâng cao về tỉ trọng GDP cũng như đóng góp của vùng này vào ngân sách quốc gia sẽ chiếm khoảng hơn 50%.
Đơn vị đồng hành