Lắng nghe người dân hiến kế: Tạo mảng xanh cho thành phố
Có rất nhiều cách phát triển mảng xanh cho TP HCM nếu chính quyền và cơ quan chức năng quyết tâm thực hiện, thuyết phục và tạo điều kiện cho người dân cùng làm
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025, chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2/người. Tuy nhiên, tính đến tháng 8-2019, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại TP HCM chỉ đạt mức bình quân là 1,6 m2/người (bằng 1/10 so với tiêu chuẩn).
Thiếu vắng cây xanh ở nhiều trục đường lớn
Dễ thấy các tuyến đường thiếu vắng mảng xanh, thậm chí không có cây xanh như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ Hàng Xanh đến Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lạc Long Quân đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Âu Cơ (quận Tân Bình), Nguyễn Kiệm đoạn từ Phan Đăng Lưu đến Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp)... Nhiều tuyến đường có cây xanh nhưng rất ít, còi cọc, thưa thớt như đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Điện Biên Phủ (quận 1 và quận 3)... Đây là điển hình cho những trục đường lớn có vỉa hè, tuyến giao thông quan trọng, san sát nhà cao tầng, nhiều trung tâm thương mại, mật độ phương tiện lưu thông đông đúc nhưng thiếu cây xanh. Chưa kể các vụ xâm hại như đóng đinh để treo biển hiệu, bảng quảng cáo, dùng hóa chất đổ vào gốc làm chết cây xanh.
Hàng loạt công viên lớn bị cắt xén mảng xanh nhường chỗ cho thuê mặt bằng, kinh doanh, bãi đậu xe. Nhiều dự án phát triển mảng xanh, trồng cây vẫn còn nằm trên giấy. Những nơi được quy hoạch làm công viên bấy lâu vẫn còn là đất trống bỏ hoang hoặc bị chiếm dụng cho thuê buôn bán, mở quán cà phê, làm sân tennis... Vô số nhà cao tầng, chung cư mọc lên vắng bóng cây xanh bởi chủ đầu tư "bỏ quên" khi làm công trình.
Trong khi đó, đến Singapore, lúc máy bay đang hạ cánh, chúng ta sẽ thấy ngay đất nước này phủ sắc màu xanh tươi. Để có được mảng xanh ngày nay là nhờ trách nhiệm, quyết tâm gìn giữ và phát triển mảng xanh từ chính quyền Singapore đến người dân. Họ xem cây xanh đường phố là xương sống cho "thành phố trong vườn". Singapore đến nay đã có hơn 2 triệu cây dọc các tuyến đường và những khu đất thuộc nhà nước, tận dụng mọi cơ hội để trồng cây tạo mảng xanh.
Nếu so với Singapore nhìn từ trên cao, TP HCM cũng có nhiều nét tương đồng là những tòa nhà cao tầng và các con đường tấp nập phương tiện giao thông. Tuy nhiên, giữa những khối bê-tông thô cứng đủ loại ấy, màu xanh trong tầm mắt quả là khác biệt. Singapore là hòn đảo nhỏ với mật độ dân số cực kỳ cao, tỉ lệ đô thị hóa gần 100%, cảnh quan luôn xanh tươi. TP HCM nếu không có vùng ven chưa đô thị hóa thì hình thù kiến trúc khá bức bối. Theo thống kê, TP HCM chỉ có khoảng 102.000 cây xanh có số. Singapore có diện tích chỉ bằng 1/3 TP HCM và dân số chỉ bằng 1/2 dân số TP HCM nhưng có hơn 2 triệu cây xanh.
Tận dụng mọi cơ hội tạo mảng xanh
Có ý kiến cho rằng hầu hết các tuyến đường cũ không còn đất để tạo mảng xanh, nhiều cửa hàng không muốn có cây xanh trồng trước nhà ảnh hưởng kinh doanh. Nếu vậy, sao không tìm giải pháp để hóa giải?
Vỉa hè ngoài phạm vi dành cho người đi bộ vẫn có thể khoét các rãnh trồng cây, hoa cảnh mở rộng mảng xanh, vừa tạo cảnh quan vừa giúp thấm nước tự nhiên, giảm tác hại từ mật độ giao thông. Tạo điều kiện, khuyến khích người dân trồng cây trong khuôn viên của mình. Nếu nhà không có đất thì trồng dây leo, loại cây ít chiếm diện tích. Những chuyên gia về lĩnh vực sinh vật học có thể đóng góp qua việc chia sẻ clip và biên soạn cẩm nang hướng dẫn nên trồng loại cây gì và cách thức chăm sóc để ai quan tâm cũng biết...
Chính quyền cần có sự đầu tư dài hạn, tích hợp vào chiến lược và khung phát triển chung. Phát triển mảng xanh gắn với quy hoạch tổng thể chính sách giao thông, xây dựng, đa dạng sinh học... Qua đó, áp dụng các quy định thật chặt chẽ với việc duy trì và mở rộng phát triển mảng xanh. Ví dụ, đưa yêu cầu phát triển mảng xanh vào tiêu chí xây dựng, bất kỳ công trình nào liên quan cũng phải tuân thủ. Khi có một dự án xây dựng hay bất động sản mới, buộc chủ đầu tư ưu tiên thực hiện là mảng xanh. Đánh giá và chấm điểm các công trình, tòa nhà, khách sạn, khu dân cư dựa trên tác động môi trường và đáp ứng sắc xanh.
Trong cấp phép xây dựng nhà ở, xem đáp ứng nhu cầu mảng xanh là điều kiện bắt buộc. Như nhà ở cần có mảng xanh trên sân thượng hoặc mái hiên, bờ tường ngoài trời... Thử hình dung mỗi nhà tạo một góc xanh tươi, trồng cây hay dây leo hoặc rau quả sẽ góp phần phủ kín sắc xanh cho TP. Hưởng lợi không ai khác, chính là những người ở nơi đó.
Trồng cây trên đường phố cần chăm sóc và bảo vệ đúng mức, phù hợp từng chủng loại, thói quen tăng trưởng, giá trị cảnh quan, đủ khả năng lọc không khí. Trong phát triển cũng phải bảo tồn lợi ích thiên nhiên đã mang lại, mở đường, làm cầu, xây dựng công trình hãy xem xét tận dụng tối đa mảng xanh, nhất là loại cây cổ thụ lâu năm. Hơn nữa, lập danh sách cho các loại cây tùy kích cỡ đã trồng trên đường phố xem như di sản cần được bảo tồn. Các trường hợp xâm hại, bức tử cây xanh đều phải bị xử lý nghiêm để răn đe, cảnh báo.
Đất trống ưu tiên phát triển mảng xanh, nhất là khu vực có mật độ xây dựng cao. Làm thêm vườn hoa, mảng xanh trong khu dân cư. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) sau khi giải tỏa cần để lại phần lớn diện tích trồng cây làm công viên vừa rửa đất, thanh lọc không khí. Bến xe Miền Đông tiếp giáp đường Đinh Bộ Lĩnh và Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh) vốn thiếu cây xanh, sau khi di dời ra gần Suối Tiên (quận 9) còn lại đất trống khá lớn, thay vì tổ chức đấu giá đất để làm dự án, hãy tạo mảng xanh phục vụ cộng đồng.
Nên chăng trong phát triển đô thị, giữ lại một phần diện tích đất trống vùng ven tạo vành đai xanh xem như một vòng tròn giúp lọc không khí, vừa kiểm soát sự mở rộng và xây dựng tràn lan, bảo vệ đô thị trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tận dụng vùng trũng cũng như địa hình tự nhiên để trữ nước mùa khô và thoát nước mùa mưa.
Mời tham gia cuộc thi
Từ ngày 24-9, Báo Người Lao Ðộng phát động cuộc thi với chủ đề "Lắng nghe người dân hiến kế". Nội dung tác phẩm dự thi là những hiến kế gần gũi với đời sống, phục vụ tốt cho cộng đồng và sự phát triển của TP cũng như cả nước; những hiến kế về việc xây dựng, sửa chữa, quy hoạch đô thị, giao thông, cầu đường, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, khởi nghiệp... Tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; được tính từ ngày 24-9 đến hết ngày 31-12-2019.
Các tác phẩm dự thi gửi qua email: bandoc@nld.com.vn (vui lòng để lại thông tin liên hệ (số điện thoại). Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng) được công bố và trao vào quý I/2020.
Đơn vị đồng hành:
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tao-mang-xanh-cho-thanh-pho-20191111211558496.htm