Làng nghề Phú Thọ nỗ lực vượt qua dịch bệnh
PTĐT - Do tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm…
PTĐT - Do tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm… Tuy nhiên, các làng nghề đều cố gắng duy trì sản xuất nhằm tìm kiếm cơ hội bứt phá khi dịch đi qua.Làng nghề mây tre đan Ba Đông, huyện Thanh Thủy nổi tiếng với các sản phẩm đan lát truyền thống. Hiện nay, làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động ở địa phương, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng trên 2,6 tỷ đồng. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Ông Nguyễn Xuân Lan- Trưởng làng nghề cho biết: Dịch Covid-19 khiến nhiều đơn hàng hoãn lại. Nguyên vật liệu để sản xuất cũng không có và hàng trước đó thì tồn lại trong kho. Mặc dù giờ dịch đã tạm lắng xuống nhưng khách mua lẻ giảm đi rất nhiều, sản xuất vẫn rơi vào tình trạng cầm chừng. Ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của người dân.
Tương tự, làng nghề mộc Vân Du, huyện Đoan Hùng là nơi có 130 hộ sản xuất chế biến lâm sản, các đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, giải quyết việc làm cho 400 lao động trên địa bàn. Nếu như trước kia, làng nghề hoạt động sôi động ngày đêm với nhiều đơn đặt hàng, thì khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất gặp nhiều khó khăn.Để sản xuất phục hồi trở lại sau dịch bênh, nhiều làng nghề đã chuyển đổi hình thức kinh doanh, tập trung nâng cao tay nghề, kỹ thuật sản xuất, tìm ra những nguyên liệu mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Vân Du chia sẻ: Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi chủ yếu tập trung nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nhu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, nếu mình cứ đứng yên một chỗ, khi dịch đi qua sẽ không kịp bắt nhịp với yêu cầu mới từ thị trường. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất tập trung đẩy mạnh việc bán hàng online. Bà Hoàng Thị Lan, chủ cơ sở chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê cho biết: Nhiều cơ sở trong làng nghề đã đẩy mạnh bán hàng online trong mùa dịch, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động để chủ động vượt qua “bão” dịch.
Trong thời gian này, việc quan trọng nhất của các làng nghề là giải quyết việc làm cho các lao động, đưa sản xuất đi vào ổn định. Ngoài ra, các biện pháp phòng chống dịch vẫn được các làn nghề thực hiện nghiêm túc, như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát trùng và giữ khoảng cách với người khác khi tiếp xúc, làm việc thay phiên,…Với 70 làng nghề, có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh, đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn lao động nông thôn trong thời gian qua. Trước những khó khăn, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề đều có mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương, của tỉnh và Nhà nước cùng đồng hành với làng nghề vượt qua dịch bệnh.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202005/lang-nghe-phu-tho-no-luc-vuot-qua-dich-benh-170613