Lắng nghe sự hài lòng của người dân để thay đổi
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index 2023) đang cho thấy những sự chuyển động mạnh mẽ. Nhưng điều quan trọng là cần 'soi' vào đó để 'sửa mình'.
Trên 82% người dân hài lòng
Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Đồng thời, triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quá trình triển khai có sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, lấy ý kiến đánh giá của công chức, người dân về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Đồng thời để đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Kết quả của năm 2023 cho thấy, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%. Có 5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng. 5 tỉnh, thành phố thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ có 2 nhóm điểm. Theo đó, Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đạt 89,95%. Bộ Công thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đạt 78,03%.
Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm. Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 7 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%. Xếp vị trí thứ 2/63 là Hải Phòng đạt 91,87%. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính như: Hà Nội đạt 91,43%, xếp thứ 3/63; tỉnh Bắc Giang đạt 91,16% xếp thứ 4/63; và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 91,03%, xếp thứ 5/63. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81,32%. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 khá thấp là Sóc Trăng đạt 81,70% xếp thứ 62/63; Bình Thuận đạt 81,87% xếp vị trí thứ 61/63.
Hành động vì sự hài lòng của người dân
Những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân. Thẳng thắn mà nói, cũng chính từ những chỉ số này mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Và điều đó thể hiện sự thay đổi qua “những con số” đánh giá qua các năm. Nhiều bộ, ngành địa phương cũng có sự thay đổi để vươn lên.
Song vấn đề không nằm ở “những con số” mà đằng sau sự “xếp hạng đó” thì các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Từ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ. Rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, không khả thi, đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Gắn việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Chú trọng phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nêu quan điểm.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, từ kết quả đánh giá trên nhiều mặt của cải cách hành chính, các bộ, ngành, địa phương thấy cái nào tốt thì phải phát huy, cái nào chưa tốt thì phải khắc phục. “Vì sau mỗi năm bản thân các bộ, hay địa phương cũng đều có đổi mới để vươn nhanh hơn. Bởi nếu không phấn đấu sẽ bị tụt lại. Sau mỗi năm, thứ hạng đều có sự thay đổi. Có nơi lên, có nơi xuống. Vì thế với những chỉ số thành phần còn thấp thì phải có giải pháp mạnh mẽ để cải thiện thực chất công tác cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương” - ông Dĩnh bày tỏ.