Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ Đoàn cấp xã

Với tinh thần cởi mở, trao đổi thẳng thắn, chương trình đối thoại giữa Thường trực Tỉnh Đoàn Gia Lai với cán bộ Đoàn cấp xã đã tạo diễn đàn trao đổi ý kiến, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thời gian tới.

Chương trình đối thoại diễn ra ngày 18-10 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Các đồng chí: Hà Thị Giang Thảo-Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn; Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn; Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn; Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn chủ trì chương trình đối thoại.

Cùng tham dự chương trình có lãnh đạo các ban thuộc Tỉnh Đoàn; Thường trực Đoàn cấp huyện và Đoàn trực thuộc cùng 220 cán bộ Đoàn chủ chốt cấp xã đến từ 17 Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh Đoàn chủ trì chương trình đối thoại. Ảnh: P.L

Tháo gỡ những vướng mắc

Tại chương trình đối thoại, chế độ, chính sách cho cán bộ Đoàn là vấn đề được thảo luận nhiều nhất. Anh Phạm Nguyên Hoàng-Bí thư Đoàn xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) trao đổi: Năm 2025, tôi hết tuổi Đoàn và chưa có hướng bố trí chức danh phù hợp, các vị trí được quy hoạch thì cán bộ đều đang trẻ. Nếu tôi chưa luân chuyển thì Phó Bí thư Đoàn xã bị vướng độ tuổi theo quy định, không được bố trí công tác ở vị trí chuyên trách. Đây cũng là lý do nhiều Phó Bí thư Đoàn cấp xã xin nghỉ việc, đề xuất Thường trực Tỉnh Đoàn quan tâm, xem xét, có giải pháp về vấn đề này trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Phan Hồ Giang cho biết: Công tác cán bộ Đoàn các cấp hiện tại vẫn thực hiện theo Quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong đó đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn các cấp cũng như các nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, nhận xét, đánh giá, luân chuyển, điều động…

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đều tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách cán bộ Đoàn hết tuổi chưa bố trí được công tác mới và trong các buổi làm việc đều đề nghị các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quan tâm bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn.

“Các cán bộ Đoàn phải tự học tập, hoàn thiện về trình độ, các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các chức danh, chức vụ tương đương để thuận tiện cho cấp ủy trong công tác bố trí, sắp xếp công tác khác khi hết tuổi. Ngoài những giải pháp đã thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua, trong nhiệm này, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn đã xây dựng và triển khai Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn chuyên trách giai đoạn 2022-2027; trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ Đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo tiêu chuẩn của các vị trí công tác khác, từ đó có cơ sở để kiến nghị với cấp ủy các cấp bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn nhấn mạnh.

Chị Bùi Thị Bích Phượng-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) nêu ý kiến tại chương trình đối thoại. Ảnh: P.L

Liên quan đến công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn, chị Bùi Thị Bích Phượng-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) thắc mắc: Tỉnh Đoàn có định hướng, giải pháp nào để các nền tảng chuyển đổi số của Đoàn có thể trở thành kênh giao tiếp hiệu quả với thanh niên; đặc biệt là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thu hút được nhiều đối tượng tham gia?.

Giải đáp vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Chí Hiếu cho biết: Các tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình ảnh, video clip với nội dung phù hợp và hấp dẫn về phát triển kinh tế; kỹ năng sống; chia sẻ các tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số thành công nhờ chuyển đổi số hoặc sử dụng công nghệ trong phát triển kinh tế, giáo dục.

Bên cạnh việc sử dụng các nền tảng số hiện đại, Đoàn có thể kết hợp với các phương tiện truyền thông truyền thống như: loa phát thanh, đài phát thanh xã và các buổi sinh hoạt trực tiếp để giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số. Hàng năm, Tỉnh Đoàn đều tập huấn kỹ năng sử dụng thông tin, mạng xã hội an toàn cho cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên. Nền tảng số là kênh thông tin quan trọng các chương trình, hoạt động của Đoàn đến với đoàn viên, thanh niên.

Diễn đàn để lắng nghe nguyện vọng đề xuất

Tại chương trình đối thoại, các cán bộ Đoàn cấp xã đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề: công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn hiện nay; các chương trình hỗ trợ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp; kinh phí cho Đoàn-Hội hoạt động; chế độ phụ cấp cho cán bộ Đoàn-Hội ở cơ sở; các chương trình tập huấn, nâng cao kỹ năng cho cán bộ Đoàn…

Quang cảnh chương trình đối thoại. Ảnh: P.L

Một số cán bộ Đoàn đã chia sẻ những khó khăn đối với công tác Đoàn ở cơ sở, như: tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra; khó khăn trong việc thực hiện Bộ tiêu chí trên App thanh niên Việt Nam; công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cho giới trẻ; một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng; nhiều hoạt động Đoàn khi triển khai vẫn mang tính hình thức…

Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, chân thành, các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại chương trình đối thoại đều mang tính xây dựng, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong thời gian tới. Thường trực Tỉnh Đoàn đã lắng nghe, trao đổi, giải đáp cặn kẽ các kiến nghị, đề xuất của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã.

Chị Rơ Mah H’Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho biết: Chương trình đối thoại giữa Thường trực Tỉnh Đoàn và cán bộ Đoàn cần được tổ chức thường niên. Đây là diễn đàn để cán bộ Đoàn trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng với Thường trực Tỉnh Đoàn; là dịp để các cán bộ Đoàn được giao lưu, học tập kinh nghiệm, trang bị thêm kiến thức cho hoạt động thực tiễn.

Chương trình đối thoại tạo diễn đàn để cán bộ Đoàn cấp xã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác Đoàn. Ảnh: P.L

Phát biểu tại chương trình đối thoại, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã. Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo nhấn mạnh: Chương trình đối thoại là dịp để Thường trực Tỉnh Đoàn cùng cán bộ Đoàn cấp xã trao đổi và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh nhà. Những ý kiến tại chương trình không chỉ thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với công tác Đoàn của địa phương mà còn là những tiếng nói đầy tâm huyết của đội ngũ cán bộ Đoàn.

Qua buổi đối thoại này, Thường trực Tỉnh Đoàn nhận thấy rõ hơn những mong muốn, nguyện vọng cũng như những khó khăn, thách thức mà đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã và công tác Đoàn tại địa phương đang đối mặt.

Thường trực Tỉnh Đoàn sẽ tiếp thu và nghiên cứu, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ cán bộ Đoàn nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong thời gian tới. Mong muốn mỗi cán bộ Đoàn tiếp tục bồi dưỡng khát vọng cống hiến; trau đồi kiến thức, kỹ năng tham gia có trách nhiệm, hiệu quả vào từng nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi trong thời gian tới.

PHAN LÀI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-cua-can-bo-doan-cap-xa-post297740.html