Làng nghề tất bật mùa Tết

Khách mua nước mắm tại làng nghề nước mắm Gành Đỏ, TX Sông Cầu. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những ngày cuối năm, các làng nghề tất bật hơn với những hoạt động sản xuất, cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Lượng hàng hóa phục vụ cho mùa Tết khá dồi dào. Trong đó, không ít sản phẩm của các làng nghề đã trở thành những món quà đậm chất quê, nhưng không kém phần ý nghĩa.

Hàng hóa dồi dào

Tại làng nghề chiếu cói Phú Tân (huyện Tuy An) những ngày cuối năm luôn tất bật, rộn ràng hơn với những chuyến xe đưa sản phẩm của nơi đây đi khắp các tỉnh, thành lân cận. Theo người dân, những tháng đầu năm, việc tiêu thụ chiếu khá khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ đầu tháng Chạp, tình hình được cải thiện; người dân lại tất bật sản xuất để cung ứng hàng cho thị trường. Không khí nhộn nhịp, vui tươi đã trở lại làng nghề chiếu cói trăm năm.

Tại làng nghề bó chổi Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, những xe hàng cuối cùng của năm cũng nối đuôi nhau tỏa đi khắp nơi. Theo phong tục của người dân, cuối năm, mỗi nhà đều mua vài cây chổi mới để thay thế những cây chổi cũ. Do vậy, dịp Tết là mùa tiêu thụ chổi lớn nhất của làng nghề này. Để đảm bảo nguồn hàng cho thị trường Tết, các cơ sở bó chổi ở Mỹ Thành đã chuẩn bị hàng hóa từ nhiều tháng nay. Với nguồn lao động dồi dào, mỗi cơ sở bó chổi có thể cung ứng cho thị trường hàng ngàn cây chổi mỗi ngày.

Vào những ngày giáp Tết, những làng nghề muối mắm truyền thống của Phú Yên với các thương hiệu nước mắm như Tân Lập, Bà Mười, Ngân Mỹ Á, Mỹ Quang luôn chộn rộn. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, nước mắm truyền thống của Phú Yên được rất nhiều khách ngoại tỉnh ưa chuộng.

Bà Lê Thị Kim Ngân, chủ cơ sở chế biến nước mắm Ngân Mỹ Á, xã An Phú, TP Tuy Hòa, cho hay: Để chuẩn bị cho mùa Tết, gia đình tôi đã phải tăng cường nhân công nhỉ mắm, đóng chai, thùng từ nhiều tháng nay. Dịp này, những dòng nước mắm nhỉ, mắm nhất, đặc biệt được nhiều người đặt mua để ăn Tết và làm quà tặng người thân, bạn bè; giá từ 100.000-150.000 đồng/lít. Kế đến là các dòng nước mắm tầm trung, dùng vào việc làm thịt rọng mắm, dưa món cũng được đặt mua rất nhiều. Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị hơn 5.000 lít mắm cung ứng cho thị trường mùa Tết. Rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đặt nước mắm ngon để làm quà tặng bạn bè, đối tác.

Ý nghĩa quà quê

Làng nghề rượu Quán Đế, TX Sông Cầu những ngày cuối năm bận rộn hơn với những mẻ rượu ngon phục vụ nhu cầu ăn Tết của khách hàng. Những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất của làng nghề đầu tư các loại nồi nấu rượu tự động, hệ thống lọc rượu để nâng cao chất lượng rượu của làng nghề. Thêm vào đó, một số hộ sản xuất cũng hoàn thiện các bước đăng ký kinh doanh, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đầu tư mẫu chai thủy tinh đẹp mắt... để khách hàng yên tâm hơn khi sử dụng cũng như làm quà tặng.

Ông Võ Trường Sơn, chủ một cơ sở nấu rượu ở xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu, cho biết: Trước đây, cơ sở chỉ nấu rượu thủ công, bán cho người dân trong vùng nên việc tiêu thụ hạn chế. Từ khi được khuyến khích ứng dụng công nghệ nấu rượu, cùng với việc đầu tư mẫu mã mới, sản phẩm rượu của gia đình tôi ngày càng được nhiều người ưa chuộng; đặc biệt là khách có nhu cầu tặng, biếu trong các dịp lễ, Tết.

Tương tự, các hộ sản xuất tại các làng nghề nước mắm truyền thống của các địa phương cũng thường xuyên cải tiến, thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, nhiều cơ sở thường xuyên “thay áo” cho những dòng mắm truyền thống bằng cách đóng chai thủy tinh, hộp đựng, túi xách giấy… rất lịch sự, sang trọng, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm truyền thống mùa Tết của Phú Yên như thịt rọng mắm, tôm chua, cá khô, mực tẩm, bò một nắng… cũng được các cơ sở đầu tư các hộp mica, hộp nhựa, túi giấy, bắt kịp yêu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, rất nhiều sản phẩm đặc sản của các làng nghề cũng được đưa vào các giỏ quà Tết để phục vụ nhu cầu tặng quà Tết của người dân. Những món quà quê của các làng nghề đang trở thành những món quà Tết đầy ý nghĩa nhưng không kém phần sang trọng, tiện ích.

Nếu như trước đây, nhiều người quan niệm tặng quà Tết thì phải dùng hàng ngoại, hàng thương hiệu lớn, thì nay chính những món quà quê lại được ưa chuộng nhiều hơn. Đặc biệt, gần đây, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề lại rất chịu khó thay đổi cách sản xuất, đầu tư mẫu mã, bao bì, nên đã khắc phục được các nhược điểm của sản phẩm quê. Nhờ vậy, các sản phẩm đặc sản địa phương lại trở thành những món quà tặng không chỉ đảm bảo chất lượng, mà còn rất có ý nghĩa trong những ngày đầu xuân mới.

Chị Ngô Hồng My, người tiêu dùng ở TP Tuy Hòa

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/251893/lang-nghe-tat-bat-mua-tet.html