Làng nghề tất bật vào vụ Tết

Tháng 10 (âm lịch), các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) tại các làng nghề trong tỉnh tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Làng nghề mộc Mỹ Luông với nhiều sản phẩm nội thất chất lượng

Làng nghề mộc Mỹ Luông với nhiều sản phẩm nội thất chất lượng

Chổi cọng dừa ở xã Vĩnh Chánh luôn có chỗ đứng trên thị trường

Chổi cọng dừa ở xã Vĩnh Chánh luôn có chỗ đứng trên thị trường

Những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Với mong muốn “trang điểm” cho ngôi nhà thêm sinh động, rực rỡ trong dịp Tết, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền để mua sắm các vật dụng trong gia đình. Đánh vào tâm lý này, các cơ sở SXKD tại các làng nghề trong địa bàn tỉnh tìm tòi, nghiên cứu, cho ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”.

Trong số các mặt hàng “hot” trong dịp cuối năm, sản phẩm mộc mỹ nghệ, mộc gia dụng được nhiều người tìm mua. Tại các làng nghề mộc ở huyện Chợ Mới, không khí sản xuất nhộn nhịp, hối hả. Anh Nguyễn Toàn Nhân (chủ Cửa hàng đồ gỗ cao cấp Đại Toàn Nhân, thị trấn Mỹ Luông) cho biết, thông thường, khoảng tháng 10 - 11 (âm lịch) là các cơ sở ở địa phương bắt đầu vào vụ sản xuất Tết.

“Đây là thời điểm người dân vừa xây nhà xong, hoặc người thân ở xa gửi mua sắm đồ Tết nên các sản phẩm rất hút hàng. Những tháng cuối năm, doanh thu từ việc bán hàng chiếm 40 - 50% so với doanh thu của cả năm” - anh Nhân chia sẻ.

Theo nhiều hộ sản xuất mộc tại huyện Chợ Mới, các sản phẩm mộc mỹ nghệ được tiêu thụ mạnh trong thời điểm này chủ yếu là: Tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng Phật Di Lặc, tượng Kim Thiền (cóc ba chân); các loại tranh gỗ biểu tượng thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, long - lân - quy - phụng…

Đối với các sản phẩm mộc gia dụng, tùy theo yêu cầu của khách hàng cũng như sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, như: Tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường hộp cho đến các loại ban công, cầu thang lầu, bao lam, câu đối, các loại tượng, phù điêu, tranh gỗ... Các sản phẩm này có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, tùy chất lượng gỗ.

Ngoài đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm gia dụng cũng khá hút hàng. Tại làng nghề bó chổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), các hộ dân trong làng nghề đang tất bật với công việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Người dân trong làng nghề ai cũng “chạy đua” với thời gian để sớm hoàn thành khối lượng công việc.

Cô Trần Thị Thiện (sinh năm 1965, người có gần 30 năm kinh nghiệm làm nghề bó chổi) cho biết, nghề bó chổi hoạt động quanh năm, nhưng “sôi động” nhất là vào dịp gần Tết. Đây là thời điểm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất trong năm cho những người làm nghề, nên ai cũng tranh thủ thời gian để sản xuất. Nhiều hộ phải thức đến 1 - 2 giờ sáng để kịp đơn hàng.

“Nghề bó chổi cọng dừa dễ làm, không đòi hỏi về thời gian nên sau khi làm xong công việc nhà, tôi mới bắt đầu làm. Mỗi ngày, tôi có thể làm được 20 cây chổi, tăng thêm thu nhập cho gia đình” - cô Thiện chia sẻ.

Chị Trần Thị Chỉ (người phân phối cọng dừa tại địa phương) cho biết, từ tháng 6 - 7 hàng năm, chị bắt đầu nhập cọng dừa với số lượng nhiều hơn ngày thường để bán lại cho người dân. Để làm được 1 cây chổi, cần khoảng 500 - 600gr cọng dừa. Những ngày cận Tết, giá nguyên liệu có phần nhích lên. Tuy nhiên, số lượng vẫn không đủ cung cấp cho người dân.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy (đại diện làng nghề bó chổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh) cho biết, chổi cọng dừa có 3 loại, gồm: Chổi đặc, chổi thường và chổi nhỏ. Giá chổi từ 17.000 - 25.000 đồng/cây. “Bình quân, mỗi lao động có thu nhập từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Đặc biệt, công việc làm chổi khá đơn giản nên trẻ em và người lớn tuổi đều có thể tham gia, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương” - cô Thủy chia sẻ.

Cũng như những làng nghề khác, làng nghề làm bánh phồng Phú Mỹ (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) tất bật vào mùa Tết. Trên khắp các con đường, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân hối hả làm bánh, phơi bánh, hòa trong tiếng cười nói vui vẻ, báo hiệu một mùa làm ăn nữa lại về. Ông Trần Văn Xuân (đại diện làng nghề bánh phồng Phú Mỹ) cho biết, làng nghề hoạt động quanh năm, nhưng từ thời điểm giữa tháng 11 là hoạt động mạnh nhất. Ngày thường, mỗi cơ sở làm 8 - 10 ổ bánh, đến dịp Tết Nguyên đán thì số lượng sản xuất tăng gấp 2 - 3 lần.

Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, như: Mè ăn sống, bánh sữa, bánh ngò, bánh nướng, bánh mè đen. Giá bán các sản phẩm từ 7.000 - 20.000 đồng/chục, đến Tết thì giá có “nhích” lên một chút, do giá nhân công và nguyên vật liệu đầu vào tăng. Những năm gần đây, hầu hết các cơ sở trong làng nghề đều được cơ giới hóa các khâu sản xuất, từ quết bánh đến cán bánh phồng, giúp giảm chi phí, thời gian và nhân lực, sản phẩm tạo ra đồng đều hơn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Thị trường Tết Nguyên đán được coi là “mùa làm ăn” quan trọng nhất trong năm đối với các cơ sở SXKD và các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Với các sản phẩm phong phú, độc đáo đến từ các làng nghề truyền thống, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lang-nghe-tat-bat-vao-vu-tet-a380938.html