Lắng nghe tiếng nói của trẻ em

Trẻ em TP Tuy Hòa tham gia Diễn đàn trẻ em năm 2019. Ảnh: KIM CHI

Để tăng cường thực hiện quyền, lợi ích và bảo vệ trẻ em (BVTE), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký, ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và BVTE. Trong đó tập trung xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; thực hiện phương pháp giáo dục tích cực; ưu tiên xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em vùng khó khăn.

Trước đó, để bảo đảm quyền trẻ em và BVTE, ngày 5/4/2016, Quốc hội nhất trí thông qua Luật Trẻ em, quy định 25 nhóm quyền. Trong đó, trẻ em có quyền được sống, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, được tiếp cận thông tin... UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) và các vấn đề về trẻ em tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình thúc đẩy QTGCTE và các vấn đề về trẻ em tỉnh giai đoạn 2016-2020, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình này và tích cực hưởng ứng xây dựng các mô hình QTGCTE. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thúc đẩy QTGCTE cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình: diễn đàn trẻ em, CLB QTGCTE mang lại những hiệu quả tích cực trong việc phát huy QTGCTE vào các vấn đề của trẻ em, trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của mình về các vấn đề mà các em quan tâm với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội…

Em Ngô Tấn Khởi, học sinh Trường THCS Võ Trứ (huyện Tuy An), cho biết: “Nhà trường thành lập CLB Quyền trẻ em từ năm 2016. Tham gia CLB này em thấy rất bổ ích và ý nghĩa. CLB đã giới thiệu về Luật Trẻ em và những nội dung có liên quan, giúp chúng em hiểu được những quyền cơ bản của trẻ em. Chúng em cũng được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình khi tham gia CLB”. Còn em Đỗ Ngọc Ngà, CLB QTGCTE Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt tại CLB, ngoài các vấn đề về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em, chúng em còn được các Tổng phụ trách Đội hướng dẫn và tư vấn một số vấn đề trẻ em cần quan tâm để mở rộng kiến thức”.

Tăng cường hoạt động truyền thông

Dù đạt được những kết quả nhất định, song một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em vẫn còn. Theo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” được trình bày trong phiên họp Quốc hội ngày 27/5 vừa qua thì từ ngày 1/1/2015-30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.809 trẻ em bị xâm hại. Riêng Phú Yên xảy ra 88 vụ xâm hại trẻ em.

Theo đánh giá của ngành LĐ-TB-XH, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức nên QTGCTE còn nhiều hạn chế; một số chính sách về trẻ em chưa được quan tâm tham vấn ý kiến trẻ em, đặc biệt là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

“Trong thời gian đến, ngành LĐ-TB-XH sẽ tập trung phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục về QTGCTE thường xuyên, liên tục hàng năm vào các đợt cao điểm như: Tháng hành động vì trẻ em, sinh hoạt hè, Ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu… Ngành cũng sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phụ trách trẻ em, giáo viên Tổng phụ trách Đội tham gia các lớp tập huấn, các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện QTGCTE. Đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ để xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em”, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết.

Tham gia sinh hoạt tại CLB QTGCTE, ngoài các vấn đề về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em, chúng em còn được hướng dẫn và tư vấn một số vấn đề trẻ em cần quan tâm để mở rộng kiến thức.

Đỗ Ngọc Ngà, học sinh Trường THCS Nguyễn Thế Bảo, huyện Phú Hòa

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240732/lang-nghe-tieng-noi-cua-tre-em.html