Lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em
Với mong muốn thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của trẻ em (TE), thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe tiếng nói của TE. Các hoạt động này đã trở thành cầu nối giữa lãnh đạo địa phương, các ngành, đoàn thể với TE để từ đó có những định hướng giáo dục phù hợp, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.
Lắng nghe trẻ em nói
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp cùng sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện quyền TE vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như vẫn còn TE bị xâm hại, bạo lực… Nhằm tạo điều kiện cho TE nói lên những quan điểm, mong muốn của mình về những vấn đề quan tâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tham mưu UBND cùng cấp và các xã, phường, thị trấn tổ chức “Diễn đàn TE”.
Vừa qua, UBND huyện Bàu Bàng tổ chức “Diễn đàn TE” năm 2024 với chủ đề “TE với các vấn đề về TE”. Tham dự diễn đàn có 90 TE đại diện cho hơn 22.400 TE trong toàn huyện. Tại diễn đàn, các em đã đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và ban ngành, đoàn thể huyện về việc thực hiện các quyền của TE theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các em đưa ra hơn 20 câu hỏi xoay quanh những vấn đề học tập, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của thuốc lá điện tử, bạo lực học đường…
Em Nguyễn Ái Vân, ở thị trấn Lai Uyên chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia diễn đàn về TE lần này. Tại đây, chúng em được thẳng thắn bày tỏ những thắc mắc, vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của TE. Em mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều chương trình ý nghĩa như thế này để TE có thêm cơ hội nói lên tiếng nói của mình” .
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết huyện tổ chức diễn đàn này với mong muốn TE mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình để các cơ quan, ban ngành nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề các cháu quan tâm. Trên tinh thần thân thiện, bình đẳng, đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan đã lắng nghe, tiếp nhận, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của trẻ; đồng thời trực tiếp trả lời, giải đáp thắc mắc trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình.
Không chỉ huyện Bàu Bàng, thời gian qua, nhiều địa phương từ cấp xã, phường, thị trấn tới cấp huyện, thành phố đều đã đồng loạt tổ chức diễn đàn “Lắng nghe TE nói” với các chủ đề khác nhau, tạo cơ hội cho TE bày tỏ ý kiến, thể hiện quan điểm, chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Lắng nghe bằng nhiều kênh
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2024, sở đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động lắng nghe TE nói, như: Chương trình “Đại biểu HĐND với xuân cho TE khó khăn” năm 2024; Tỉnh đoàn tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng cho Ban Chỉ huy liên đội, TE nòng cốt tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của TE, thu hút hơn 1.500 em tham gia. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức hoạt động cho TE tiếp xúc, đối thoại với đại biểu HĐND, lãnh đạo địa phương cùng cấp…
Song song đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tiếp nhận thông tin qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ TE (111); từ đó đã phối hợp chỉ đạo chính quyền địa phương và các ngành liên quan xác minh, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho TE trong tình trạng khẩn cấp và xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp TE kịp thời. Các địa phương cũng đã duy trì hoạt động thường xuyên của ban điều hành nhóm công tác liên ngành các huyện, thành phố nhằm chuyển tuyến và thực hiện các dịch vụ bảo vệ TE, như: Tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc y tế, can thiệp để trẻ được đến trường…
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác tư vấn tâm lý học đường, cô Lê Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một), cho rằng việc lắng nghe TE nói chính là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp, giúp người lớn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của TE để từ đó có những định hướng giáo dục phù hợp, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ. Phải hiểu, lắng nghe TE nói chúng ta mới biết được nhu cầu của TE để có thể giúp TE phát triển toàn diện nhất.
Để con trẻ nói lên suy nghĩ, dù là bằng phương pháp nào, trực tiếp hay gián tiếp đều hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường cho TE phát triển toàn diện. Để làm được điều này cần sự chung tay, phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc sẵn sàng, chủ động lắng nghe TE nói.
Trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền TE cũng như trong Luật TE đều nêu rõ TE có quyền được tự do bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến TE. Dù trong gia đình hay xã hội, TE có quyền tham gia vào các hoạt động, được bày tỏ ý kiến. Cha mẹ hay bất cứ ai cũng cần tôn trọng và thực hiện quyền tham gia của TE.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/lang-nghe-tieng-noi-nguyen-vong-cua-tre-em-a326728.html