Làng nghề tre tầm vông Tố Lan
Bước sang vụ thu hoạch thứ 4 tre tầm vông và khi được hỏi về nguồn thu nhập chính của gia đình, bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Tố Lan (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) bảo rằng: Tre tầm vông bây giờ đã là nguồn thu nhập chính của chúng tôi rồi. Có đầu ra nên mỗi lần thu hoạch, bà con phấn khởi, vui mừng lắm!
Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi về lại thôn Tố Lan - một thôn vùng sâu, vùng xa với trên 97% người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Khác với những ngày thường rảnh rỗi, thời điểm này, bà con trong thôn trở nên bận rộn bởi đây là khoảng thời gian ai nấy đều tất bật bước vào vụ thu hoạch tre tầm vông.
Từ sáng sớm, anh K’Linh (30 tuổi) cùng với một số anh em khác trong thôn Tố Lan đã lên đồi thu hoạch tre để kịp thời gian giao nguyên liệu cho hợp tác xã. Anh bảo, đây là mùa thu hoạch thứ tư nên mọi người bận lắm! Sau những lần bà con thu nhập cao từ tre tầm vông, người dân trong này đã không còn lo cái nghèo, cái đói đeo bám, có của ăn của để. “Trước đây, nhà mình chỉ trồng lúa, trồng điều nhưng công đầu tư chăm sóc nhiều, cây điều dần về sau này năng suất lại thấp nên bà con trong thôn ít nhiều cũng nản. Từ khi có đề án trồng tre tầm vông, Nhà nước hỗ trợ vốn, chính quyền địa phương giúp đỡ trong việc trồng, tuyên truyền kỹ thuật chăm sóc, bón phân,… nên bước đầu nhiều hộ dân nhận thấy không khó lắm. Năm 2019 là năm đầu tiên ngọn đồi này cho thu, vì có đầu ra nên bà con cũng an tâm phần nào. Gia đình mình được giao 1,5 ha tre tầm vông, riêng trong năm 2021, mình bán được hơn 4.000 cây với giá bán khoán là 50 triệu đồng đã trừ hết chi phí” - anh K’Linh cho hay.
Trồng tầm vông trên đất đồi đã được huyện Ðạ Tẻh chọn như là một giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người dân tộc thiểu số tại buôn Tố Lan. Ông K’Miếu - Bí thư Chi bộ thôn Tố Lan cho biết: “Năm 2013, với đề án trồng tre tầm vông của tỉnh, bà con thôn Tố Lan có 20 hộ dân được UBND huyện giao đất để trồng cây tầm vông với diện tích gần 28 ha. Trung bình mỗi hộ được nhận 1,5 ha đất trồng tầm vông, trải rộng trên các ngọn đồi trong thôn. Đây là những gia đình thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất”.
Gọi là giao đất cho dân canh tác nhưng theo UBND xã An Nhơn, hầu hết mọi việc đều được huyện hỗ trợ một cách tích cực, huy động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên trong huyện đến giúp các gia đình trong hầu hết các khâu canh tác, từ đào hố, xuống giống cây, bón phân cho cây. Không chỉ cấp giống cây và phân bón, định kỳ, huyện còn cử cán bộ đến hỗ trợ kỹ thuật cho từng hộ dân. Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Bước đầu, công tác vận động bà con chuyển đổi và mạnh dạn nhận đất trồng tầm vông còn gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ dân vẫn còn ỷ lại rất lớn vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chờ đợi người đến giúp, chúng tôi phải đến tận nhà vận động từng người, trên vườn thì phải cầm tay chỉ việc, và thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt công tác dân vận. Cứ như vậy, mưa dần thấm lâu, mọi việc kiên trì thuyết phục nên hiện nay đã tạo được sự đồng thuận của bà con nơi đây. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, tại thôn Tố Lan hiện tại đã có xưởng sơ chế với tổng mức đầu tư là hơn 2 tỷ đồng; trong đó huy động từ Nhân dân 500 triệu, số còn lại là của Nhà nước đầu tư.
Để người dân có đầu ra ổn định, năm 2021, địa phương đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Sơ chế tre tầm vông Tố Lan. Đến nay, HTX có 31 thành viên đang tham gia với gần 21 ha diện tích tre tầm vông. Bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó Giám đốc HTX Sơ chế tre tầm vông Tố Lan cho biết: Sau khi tham gia vào HTX, người dân thôn Tố Lan sẽ có điều kiện mở rộng diện tích, tăng nguồn thu nhập gia đình. “Nếu canh tác tốt, cây cao từ 6 m trở lên thì giá bán khá cao, trung bình mỗi ha tầm vông trồng trên vùng đất đồi như thế cũng thu trên 50 triệu đồng/năm. Toàn bộ số cây đến kỳ thu hoạch phải được thu hoạch theo đúng yêu cầu kỹ thuật và số cây này tùy theo kích thước của cây mà có giá khác nhau. Do-anh nghiệp thu mua với giá trung bình là 15.000 đồng/cây. Riêng năm 2021 vừa qua, đồi tre tầm vông của bà con thôn Tố Lan đã xuất đi gần 18.000 cây” - bà Hương nói.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá Làng nghề trồng và chế biến tre tầm vông Tố Lan đã đảm bảo 3 tiêu chí để được công nhận làng nghề, gồm có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định về việc công nhận Làng nghề trồng và chế biến tre tầm vông Tố Lan.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202202/lang-nghe-tre-tam-vong-to-lan-3104240/