Làng nghề vào Tết: Làng nghề miến gạo Thăng Long ngày cận Tết

Sản phẩm miến gạo của Làng nghề miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long, huyện Nông Cống ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường bởi có vị ngọt, độ dai ngon hơn những vùng khác.

Tết Nguyên Đán đang đến gần, làng nghề sản xuất miến gạo ở thôn Tân Giao, xã Thăng Long lại tất bật làm việc để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thời điểm này đang là vụ sản xuất chính nên ngay từ đầu xã đã thấy những tấm phên, cây sào phơi miến gạo khắp trong sân, ngoài ngõ ở mỗi gia đình.

Theo những người làm nghề nơi đây, nguyên liệu duy nhất của miến, bún gạo là bột gạo (thường là gạo Khang Dân và Kim Cương 90), ngoài ra không dùng thêm một chất phụ gia nào khác.

Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị Lê Thị Thủy, cơ sở sản xuất Hoa Thủy, thôn Tân Giao cho biết: “Hiện gia đình tôi có 2 cơ sở, mỗi ngày sản xuất khoảng 5 tạ gạo để làm nguyên liệu sản xuất miến, cho ra khoảng 4,7 tạ miến thành phẩm với giá bán 15.000 đồng/kg”.

Bắt đầu từ khâu chọn gạo, bột đều phải làm cẩn thận để có được nguyên liệu làm miến ngon.

Tất cả các công đoạn sản xuất miến đều được các hộ dân tại làng nghề tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Làm miến phải trải qua nhiều công đoạn, và sản xuất theo quy trình liên hoàn nên người thợ làm không hết việc. Trước hết phải ngâm gạo từ 2 – 4h (tùy từng mùa, mùa đông thường phải ngâm lâu hơn), sau đó cho vào máy nghiền thành bột. Bột nghiền xong được cho vào máy ép khô.

Sau khi bột khô, thợ sẽ tiếp tục cho bột vào máy đùn thành sợi.

Miến được ủ trong vòng khoảng 10 tiếng sau đó rũ trong nước lạnh và đem phơi khô trên sào...

Sau khi phơi khô, miến được đưa vào đóng gói theo đơn đặt hàng của thị trường.

Vào dịp cao điểm, những người làm nghề miến gạo thường thức dậy làm việc từ sáng sớm và chỉ nghỉ khi trời đã tối muộn.

Làm nghề này tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người thợ phải có tính tỉ mỉ, cần cù và chịu khó.

Những người thợ lâu năm trong nghề ở Thăng Long cho hay, làm miến gạo không có bí quyết gì đặc biệt. Để có những mẻ miến ngon, chất lượng nhất, quan trọng là mẻ bột sạch sẽ và khi phơi phải được nắng để miến không bị ẩm, mốc hoặc lên men gây chua.

Sản phẩm miến gạo Thăng Long làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và được bạn hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.

Nghề làm miến gạo đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, làng nghề miến gạo Thăng Long lại tất bật, nhộn nhịp hơn để kịp thời sản xuất đưa sản phẩm cho kịp với nhu cầu thị trường Tết.

Hoài Thu – Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/lang-nghe-vao-tet-lang-nghe-mien-gao-thang-long-ngay-can-tet/111752.htm