Làng người Huế trên vùng 'chảo lửa' Krông Pa
46 năm trước, 30 hộ dân làng Triều Thủy (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) dắt díu nhau đến vùng đất Krông Pa sinh cơ lập nghiệp. Từ đây, ngôi làng người gốc Huế mang tên Thành Công được tạo dựng và trở thành bộ phận không thể tách rời của thị trấn Phú Túc. Điểm đặc biệt là người dân xứ Huế vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống trên quê hương thứ 2.
Cuộc thiên di nhọc nhằn
Gọi ông Phan Đồi (SN 1956, tổ 6, thị trấn Phú Túc) là người chép sử quả không ngoa. Chính những tài liệu do ông cung cấp đã giúp tôi hiểu rõ về cuộc thiên di của người gốc Huế cùng lịch sử hình thành, phát triển của thôn Thành Công.
Lần giở những xấp tư liệu cũ được lưu giữ cẩn thận, ông Đồi hồi nhớ: Bà nội của vợ ông tên là Nguyễn Thị Xão. Bà là người ghi công đầu trong việc hình thành cộng đồng người gốc Huế ở Krông Pa. Trước năm 1977, bà chuyển lên đây sinh sống và giúp đỡ, cưu mang những hộ gia đình làng Triều Thủy di dân sau đó. Sau Tết Đoan Ngọ năm 1977, vợ chồng ông Đồi cùng 2 gia đình khác lên chuyến tàu hỏa vào TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) hướng đến miền đất Krông Pa. Tiếp đó, cả đoàn mất 2 ngày trên chuyến xe khách mới đến được Phú Túc. Bà Xão tiếp đón, cho tá túc một thời gian. Người dân trong vùng cùng chính quyền địa phương cũng đến thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với 3 hộ mới chân ướt chân ráo đến định cư. Đến tháng 9-1977, 27 hộ dân ở quê cũng chuyển vào đây mang theo niềm tin cùng ước vọng đổi đời.
“Đầu năm 1978, 30 hộ dân di cư sửa soạn chuyển vào Thành Công lập làng mới. Chính xác hồi đó địa điểm lập làng thuộc xã Ia Rmok (huyện Ayun Pa cũ), sau này chia tách mới thuộc thị trấn Phú Túc. Sau khi phát dọn mặt bằng, 30 hộ cùng chung tay làm nhà. Người vào rừng chặt cây, người ở nhà dựng hoặc nhào đất đắp vách, lợp mái. Làm xong 30 ngôi nhà thì chúng tôi tổ chức bốc thăm nhận rồi chuyển vào ở. Lúc đó, làng mới chỉ có 160 khẩu và được chia làm 3 xóm”-ông Đồi tâm sự.
Ngồi trong ngôi nhà xây cách tấm bia lưu niệm ghi rõ ngày thành lập làng 20-4-1978 chừng mấy bước chân, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Phan Kiệm bồi hồi nhớ lại chuyện xưa: “Kể không hết nỗi khổ của ngày đầu mới đến đất này đâu. Mùa nắng thì cháy rừng, tàn tro và khói bay ngập trời. Mùa lạnh phải đốt lửa sưởi nên có lần bất cẩn nhà tôi bị cháy rụi. Thức ăn toàn rau rừng. 7 ngày mới có chuyến xe chở cá thịt từ Tuy Hòa lên bán nhưng không phải ai cũng có tiền mua. Vợ tôi đi giã gạo thuê 1 ngày được 5 lon gạo. Có lần bà ấy bị ngã khi lội suối, gạo trôi theo dòng nước, chỉ biết ôm mặt khóc. Về nhà, phải đi mượn gạo hàng xóm nấu cơm cho gia đình”.
Cuộc sống buổi đầu nơi đất mới của người dân gốc Triều Thủy không chỉ thiếu đói mà còn cả bệnh tật, nhất là sốt rét. Cả làng ai cũng mắc. Ông Kiệm mắc sốt rét đến… 6 tháng mới khỏi. Nhiều gia đình không chịu nổi cảnh đói kém, bệnh tật phải chuyển đi nơi khác hoặc trở về quê. Và, còn có một nỗi sợ thường trực của 30 hộ dân là bị thú rừng tấn công. Bởi lẽ, rừng Krông Pa thời ấy còn nguyên sinh, hổ và rắn rết nhiều vô kể. Buổi tối, hổ về tận làng, có người dân nào dám không cửa đóng then cài.
Lưu giữ hồn quê
Từ làng chuyển thành thôn Thành Công và nay được sáp nhập thành tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc. Nhà cửa san sát dọc theo những con đường trải thảm nhựa ngang dọc. Mỏi mắt cũng không tìm thấy dấu tích nhà tranh, vách đất, con đường bụi mù thuở đầu khai khẩn đất hoang của bậc tiền nhân. Nhưng, nét đặc trưng của cư dân gốc Huế vẫn còn đó.
Đánh chiếc ô tô trị giá cả tỷ đồng đưa tôi đến ngôi từ đường của dòng họ Phan ở cuối tổ dân phố, ông Đồi cho hay: “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng người gốc Huế tại Thành Công là một bộ phận không thể tách rời của làng Triều Thủy. Vậy nên các thế hệ vẫn duy trì những nét văn hóa, phong tục ở ngoài quê. Hàng năm, 3 dòng họ là Phan, Lê, Nguyễn vẫn tổ chức giỗ họ. Riêng họ Phan chúng tôi thì xây từ đường đầu tiên. Giỗ họ hàng năm là dịp để 90 gia đình trong họ tề tựu cúng vọng tổ tiên, nhắc nhớ thời kỳ khai khẩn đất mới. Trong ngày giỗ, chúng tôi biểu dương những gia đình làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái ăn học tử tế và phát thưởng cho các cháu học giỏi. Nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động này do con cháu trong họ đóng góp. Năm 2018, dòng họ Phan được Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen. Dòng họ Phan cũng được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về dòng họ học tập tiêu biểu giai đoạn 2016-2020”.
Đấu lưng với từ đường họ Phan là nhà thờ họ Lê được xây dựng mang đậm kiến trúc miền đất cố đô. Còn con cháu dòng họ Nguyễn thì đang vận động xây nhà thờ họ để có nơi thờ tự, họp họ mỗi khi Tết đến xuân về. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đỗ Minh Hiếu: Tổ dân phố 9 có 380 hộ, trong đó có 320 hộ người gốc Huế sinh sống từ năm 1978 đến nay.
Năm 2019, thị trấn sáp nhập thôn Thành Công với tổ dân phố 10 thành tổ dân phố 9. Tổ dân phố 9 nổi bật về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự và duy trì những phong tục, tập quán đặc trưng của quê hương xứ sở. Lễ cưới hỏi, ma chay và giỗ họ, bà con xứ Huế vẫn duy trì bản sắc riêng. Đối với công tác khuyến học, họ cũng rất nổi bật. Bà con cũng chú trọng vào thương mại-dịch vụ nên đời sống kinh tế khá phát triển. Năm 2008, bà con người gốc Huế đã tổ chức buổi lễ long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập làng.
Thể thao cũng là một trong những nét riêng, hiếm nơi nào có được. Ông Phan Kiệm chia sẻ: “Ngay từ khi mới thành lập, làng đã dành quỹ đất để làm sân chơi thể thao cho con em. Hàng năm, chúng tôi vẫn duy trì các giải thể thao để thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Chẳng hạn như tháng 7 vừa rồi, tổ dân phố tổ chức giải đấu cho 6 đội với kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này là do người dân các xóm tự nguyện đóng góp. Chưa kể đến số tiền bà con thưởng riêng cho cầu thủ, đội bóng thi đấu hay khi đến cổ vũ”.
Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-xác nhận: Tổ dân phố 9 có thành tích nổi bật về phong trào thể dục thể thao, đặc biệt là môn bóng đá và bóng chuyền. Trong các giải đấu thể thao quy mô cấp huyện, các vận động viên nòng cốt môn bóng đá, bóng chuyền của đội thị trấn Phú Túc là người ở tổ 9.
…Qua bao thăng trầm của cuộc sống, những bãi lúa, nương mì ngày đầu khai khẩn mưu sinh đã nhường chỗ cho những ngôi nhà xây to đẹp, khu phố khang trang. Và, thế hệ cháu con của người dân gốc Huế vẫn đang chung sức xây dựng quê hương mới, để câu hò Huế mang theo trong hành trình vỡ đất nơi “chảo lửa” của bậc tiền nhân mãi vang xa.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-nguoi-hue-tren-vung-chao-lua-krong-pa-post247724.html