Làng nón Phú Cam - Nét đẹp truyền thống không thể bỏ lỡ khi đến cố đô Huế

Thông qua hình ảnh những chiếc nón lá được sản xuất lại làng Phú Cam, vẻ đẹp của Huế hiện lên vừa dịu dàng vừa thơ mộng. Làng nghề không đơn thuần chỉ là sản phẩm thủ công phục vụ đời sống, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc mà còn đong đầy tình yêu, niềm tự hào của người dân cố đô.

Cố đô Việt Nam - Kinh thành Huế không chỉ nổi tiếng với những điểm đến đã làm nên linh hồn của mảnh đất này như Đại Nội, chùa cổ Thiên Mụ, sông Hương… cùng nhiều đền, đài, lăng tẩm của các vị vua mà nơi đây còn là quê hương của nhiều làng nghề độc đáo, nơi lưu giữ tinh hoa dân tộc Việt hàng trăm năm nay. Và một trong những làng nghề truyền thống được nhiều người dân bản địa cũng như khách du lịch truyền tai nhau nhất định phải ghé thăm khi đến với xứ Huế mộng mơ chính là làng nón Phú Cam.

Ngôi làng hiện nằm bên bờ Nam của sông An Cựu, thuộc phường Phước Vĩnh, ngay tại trung tâm thành phố Huế, vì vậy du khách có thể di chuyển đến nơi đây một cách thuận tiện và dễ dàng thông qua rất nhiều loại hình phương tiện.

 Một trong những làng nghề truyền thống được nhiều người dân bản địa cũng như khách du lịch truyền tai nhau nhất định phải ghé thăm khi đến với xứ Huế mộng mơ chính là làng nón Phú Cam

Một trong những làng nghề truyền thống được nhiều người dân bản địa cũng như khách du lịch truyền tai nhau nhất định phải ghé thăm khi đến với xứ Huế mộng mơ chính là làng nón Phú Cam

Bên cạnh những làng nghề làm nón khác như: Kim Long, Dạ Lê, Đốc Sơ, Sịa, làng Phú Cam cũng là một làng nghề truyền thống lâu đời của xứ Huế. Hiện tại, làng nghề truyền thống này không những mang đậm giá trị văn hóa mà còn tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Theo như lời các cụ cao niên trong làng truyền lại, làng nón Phú Cam được thành lập từ khoảng thế kỷ XVII. Cùng với sự du nhập của văn hóa phương Tây, có một công đoàn giáo đã đến Phú Cam sinh sống. Một vị linh mục người Pháp tên là Langlois được điều về làm việc ở Huế đã lập nên giáo xứ, quy tụ những người dân theo đạo thành một khu vực riêng, cùng với những người thợ lành nghề di dân từ nơi khác đến đã tạo nên làng nghề làm nón này. Từ đó đến nay, dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, làng nón Phú Cam vẫn bền bỉ tồn tại và tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cố đô Huế bằng hình ảnh tà áo dài gắn liền với chiếc nón lá bài thơ.

Có thể nói, thông qua những chiếc nón được sản xuất lại làng Phú Cam, vẻ đẹp Huế hiện lên vừa dịu dàng, thơ mộng lại vừa gần gũi. Những chiếc nón của làng nghề không đơn thuần chỉ là sản phẩm thủ công phục vụ đời sống, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc mà còn đong đầy tình yêu, niềm tự hào của người dân cố đô, khắc họa trọn vẹn nét đẹp của Huế đầy cổ kính mà thanh lịch.

Những loại nón truyền thống nổi tiếng ở làng Phú Cam có thể kể đến như: nón lá, nón bài thơ, nón quai thao, nón rơm và nón cụt. Mỗi loại nón lại mang một vẻ đẹp riêng, sở hữu một nét đặc trưng riêng nhưng đều thể hiện được tay nghề khéo léo của những người thợ thủ công truyền thống tại nơi đây.

 Là một làng nghề truyền thống có tiếng nên Phú Cam thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Là một làng nghề truyền thống có tiếng nên Phú Cam thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Là một làng nghề truyền thống có tiếng nên Phú Cam thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Họ đến nơi đây để tìm hiểu và chiêm ngưỡng quy trình tạo nên những chiếc nón trứ danh, đồng thời cũng để hiểu sâu hơn về một trong những nghề truyền thống công phu, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử cùng mảnh đất cố đô.

Bạn Trần Thúy Hằng, một khách du lịch đến từ Yên Bái hào hứng chia sẻ: “Mình là một người yêu thích tìm hiểu những di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, đặc biệt là những nơi tạo ra những món đồ thủ công như trang sức, nón lá. Mình muốn đến đây để có một vài bức ảnh đẹp, đồng thời mua nón về tặng mẹ. Làng nón Phú Cam thực sự là một địa điểm thú vị mà bạn không nên bỏ qua khi đến thăm Huế’’.

Tìm hiểu về quy trình làm nón tại làng nghề mới thấy được nghề này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo. Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, họ đã tạo nên những chiếc nón lá trông thật giản dị, nhẹ nhàng, nhưng cũng rất đẹp, rất ấn tượng.

Ở làng nón Phú Cam, người ta sử dụng 16 chiếc vành kích thước to nhỏ khác nhau để làm nón. Công đoạn đầu tiên là vót tre, chuốt vành, xây khung làm sao cho thật tròn trịa và cân xứng. Dáng nón đẹp hay không phụ thuộc vào khung nón, do vậy, các nghệ nhân phải giữ được kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành phải đảm bảo được sự chuẩn xác đến từng chi tiết.

 Phần họa tiết được vẽ ẩn giữa hai lớp lá của nón, đó thường là các hoa văn mang đặc trưng xứ Huế như sông Hương, núi Ngự, chùa Linh Mộ, Đại Nội, cầu Trường Tiền

Phần họa tiết được vẽ ẩn giữa hai lớp lá của nón, đó thường là các hoa văn mang đặc trưng xứ Huế như sông Hương, núi Ngự, chùa Linh Mộ, Đại Nội, cầu Trường Tiền

Với phần lá để làm nón, người nghệ nhân sẽ chọn những chiếc lá có màu trắng xanh, đặc biệt là không quá già. Một chiếc nón sẽ sử dụng từ 8 đến 9 lá. Khi đã chọn được lá đúng tuổi, lá sẽ được ủ và sấy cẩn thận cho đến khi khô nhưng sắc vẫn phải tươi xanh mịn màng chứ không được thâm đen hay vàng đi. Lá đã được chọn và sấy xong sẽ mang đi ủi trên chảo gang, sau đó, người nghệ nhân lấy nùi vải tẩm dầu nóng để vuốt lá cho láng mịn và bắt mắt. Cuối cùng là bước chằm nón, người nghệ nhân khéo léo chằm những sợi chỉ cước trong suốt trên những tấm lá, sau đó gắn chặt vào bộ vành và khung nón.

Phần họa tiết được vẽ ẩn giữa hai lớp lá của nón, đó thường là các hoa văn mang đặc trưng xứ Huế như sông Hương, núi Ngự, chùa Linh Mộ, Đại Nội, cầu Trường Tiền… hay những câu thơ, câu hát về Huế. Cầm trên tay chiếc nón lá, trong mắt du khách sẽ hiện lên một cố đô Huế thu nhỏ đầy cổ kính, mang đậm các giá trị văn hóa của mảnh đất này.

Quai nón Phú Cam được tạo nên từ những dải gấm lụa trắng, gấm đen tuyền hoặc màu tím, màu xanh thẫm, hồng rực hoặc xanh ánh trăng. Mỗi một màu sắc mang một nét đẹp riêng, độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của người dùng cũng như điểm tô thêm cho vẻ đẹp của những chiếc nón bài thơ.

 Chiếc nón bài thơ được xem là một bộ phận của nền văn hóa Huế.

Chiếc nón bài thơ được xem là một bộ phận của nền văn hóa Huế.

Vào thời kỳ hoàng kim, nghề chính của người dân địa phương là chằm nón. Đi từ đầu làng đến cuối làng, từ già đến trẻ, đâu đâu cũng thấy người ngồi làm nón. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, do sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, làng nón Phú Cam không còn được phồn thịnh như xưa. Tuy vậy, khi đến nơi đây, du khách vẫn có thể khám phá toàn bộ quy trình và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Đặc biệt, du khách còn có thể tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình để về làm kỷ niệm.

Bà Phạm Mai Thảo, một nghệ nhân làm nón trong làng chia sẻ: “Dù gặp nhiều khó khăn khi lưu giữ cái nghề của cha ông truyền lại, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì để nghề này không bị thất truyền. Nghề làm nón đã gắn bó cả với cả cuộc đời và linh hồn tôi, tôi yêu từng chiếc nón lá mà mình đã tạo ra. Còn duy trì được nghề là tôi không phụ lòng mong mỏi của nhiều thế hệ gia đình tôi".

Chiếc nón bài thơ được xem là một bộ phận của nền văn hóa Huế. Vì vậy, nghề làm nón ở mảnh đất cố đô không chỉ là một nghề thủ công thuần túy, mà nó còn chính là một hoạt động nghệ thuật. Người tạo ra chiếc nón lá chính là người nghệ sĩ. Những chiếc nón đã trở thành sản phẩm nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa văn hóa, góp phần quảng bá rộng hơn nét đẹp của Huế đến với đông đảo du khách.

 Nếu có dịp, du khách hãy đến Huế và khám phá làng nghề truyền thống làm nón đầy thú vị và giàu truyền thống này.

Nếu có dịp, du khách hãy đến Huế và khám phá làng nghề truyền thống làm nón đầy thú vị và giàu truyền thống này.

Có thể nói, do những thay đổi trong cuộc sống hiện tại, nón lá không phải là món đồ được nhiều bạn trẻ ưa chuộng nhưng nó vẫn được đông đảo người dân sử dụng trong các hoạt động thường ngày. Hình ảnh nón lá gắn liền với văn hóa của vùng trồng lúa nước, chiếc nón lá đã cùng nhiều thế hệ đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngày nay, nón lá làng Phú Cam tiếp tục làm cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, làm tốt vai trò quảng bá nghệ thuật truyền thống để du khách cũng như các đối tác bán hàng biết đến nhiều hơn, nâng cao giá trị vật chất, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân nơi đây.

Nếu có dịp, du khách hãy đến Huế và khám phá làng nghề truyền thống làm nón đầy thú vị và giàu truyền thống này, để tạo nên những trải nghiệm khó quên trong không gian làng quê yên bình đầy chất thơ tại mảnh đất cố đô.

T.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lang-non-phu-cam--net-dep-truyen-thong-khong-the-bo-lo-khi-den-co-do-hue-post282932.html