Làng Ông Hảo rộn ràng đón Tết Trung thu
Làng Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) là một trong những làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Mỗi năm vào dịp Tết Trung thu cả ngôi làng lại tất bật sản xuất những món đồ chơi vốn gắn liền với bao thế hệ trẻ em nước Việt…
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng không chỉ nổi tiếng với các làng nghề như hương xạ Cao Thôn (làng nghề làm hương), đúc đồng Lộng Thượng (các sản phẩm như đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa,…), long nhãn sấy, chạm bạc thôn Huệ Lai (sản phẩm chủ yếu là: đồ trang sức, vòng, nhẫn, hoa tai...)... mà còn được biết đến với làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc - làng Ông Hảo.
Khởi thủy nghề làm đồ chơi truyền thống, ông Vũ Huy Đông – người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề chia sẻ: "Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng đã có từ rất lâu rồi. Lúc ấy, có Hợp tác xã làm trống đồ chơi, sau Hợp tác xã giải thể, những người vững nghề tự mở xưởng, đến nay còn khoảng tầm 7-8 nhà theo nghề này. Và nhà tôi chuyên làm mặt nạ giấy bồi, tính đến nay là ba đời.
Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, mặt Tễu, thì ngày nay, với sự phát triển của xã hội, thị hiếu của trẻ em ngày càng đa dạng phong phú hơn nên để tìm được chỗ đứng cho nghề truyền thống này, tôi đã phải tìm tòi, sáng tạo và đổi mới sản phẩm. Bây giờ gia đình tôi có khoảng hơn 20 mẫu gắn với các hình tượng 12 con giáp, nhân vật dân gian,... các kiểu dáng đều gần gũi mang đậm bản sắc dân tộc".
Khác với những xưởng đồ chơi ở các nơi khác, những món đồ chơi làng Ông Hảo đều được làm theo cách thủ công và sử những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tre nứa làm đèn ông sao, đèn kéo quân, gỗ và da trâu làm trống còn bìa và giấy báo phế liệu được "phù phép" để trở thành mặt nạ giấy bồi. Ngay cả keo dùng để bồi giấy cũng làm từ bột quấy đặc, thân thiện với người dùng.
Và để khắc họa các nhân vật yêu thích (ông Tễu, con thỏ, con chuột,…), mỗi mặt nạ đều có các khuôn mẫu riêng. Dựa trên các khuôn đó, những người thợ sẽ chia nhỏ từng mảnh giấy, khéo léo dán chúng thành nhiều lớp lên khuôn xi măng đúc sẵn để bắt đầu cho công đoạn tạo hình. Các cốt mặt nạ được bồi giấy cho đủ độ cứng, sau đó được đem phơi khô và được tô vẽ màu sắc.
Tô màu là khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần "hồn" của sản phẩm. Tới lúc này thì già trẻ gái trai trong nhà tất thảy đều trở thành họa sĩ. Ông Vũ Huy Đông chia sẻ: "Với các công đoạn bồi khô, tôi sẽ được thuê thợ từ các gia đình, còn công đoạn sơn vẽ hoàn thiện sẽ do chính tay vợ chồng tôi làm nên. Bởi vẽ mặt là khó nhất, tay nghề phải vững mới làm được. Cũng phải có khiếu thẩm mỹ nữa, không thì cái mặt nạ làm ra nó không có hồn, nhìn cứ trơ trơ. Vẽ lân thì khó hơn, vì nhiều chi tiết cầu kỳ, nhưng giá thành lại cao hơn. Như tôi một ngày gắng lắm cũng chỉ làm được đôi chục cái. Chúng tôi làm thong thả từ hai ba tháng trước".
"Để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem, màu này khô thì mới được tô màu mới, mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần. Tuy mất nhiều thời gian nhưng phơi nắng, nước sơn được phết đều tay kia sẽ khô lại, và nổi bật lên sắc màu óng ánh và rực rỡ. Vẽ xong, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu" – ông Vũ Huy Đông chia sẻ thêm.
Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động, mang dáng dấp hình hài thuần Việt, thể hiện sự duyên dáng, hóm hỉnh cũng như nét văn hóa không thể pha trộn của con người Việt Nam.
Tuy làm nghề quanh năm, nhưng đến dịp Tết Trung thu làng Ông Hảo lại trở nên rộn ràng hơn. Ông Đông cho biết: "Ở làng chỉ có 2-3 gia đình làm quanh năm, trong đó có gia đình tôi. Nhưng nghề này tất bật nhất thì vào khoảng từ đầu tháng 7 đến hết Tết Trung thu, lúc đó làng Ông Hảo rộn ràng lắm, trẻ con thì háo hức, chúng tôi thường trêu đùa nhau rằng chỉ có làng Ông Hảo mới đón Tết Trung thu sớm như thế. Đến hết mùa, gia đình tôi lại quay lại làm những cốt của những con vật, cốt trống để ra ngoài tháng Giêng bắt đầu đóng trống. Còn những con vật này phải làm quanh năm để bồi cho khô, đến khoảng đến tháng 11 thì bắt đầu hoàn thiện đem ra thị trường bán".
Mỗi mùa Trung thu gia đình ông Đông làm tổng cộng hơn 10.000 mặt nạ, giá trung bình từ 15.000-35.000đ/cái, đều đã có đại lý đặt. Hàng xuất chủ yếu trong nước, những tỉnh đặt nhiều là Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng… Ngoài ra, để quảng bá đồ chơi Trung thu truyền thống, gia đình ông cũng đã kết nối với các tổ chức văn hóa, công ty lữ hành biến cơ sở sản xuất đồ chơi của mình trở thành địa điểm đón khách du lịch về tham quan, trải nghiệm.
Một điều đáng mừng, trong những năm trở lại đây, xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện như mặt nạ giấy bồi, trống, đèn ông sao… cho trẻ nhỏ của nhiều gia đình là động lực để những nghệ nhân làng nghề làm đồ chơi Ông Hảo như ông Đông có thêm quyết tâm để tiếp tục giữ lửa nghề, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Và với ông Đông, những món đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ đơn thuần để giải trí mà chúng còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, như một lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông ta với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học và sự thành đạt./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lang-ong-hao-ron-rang-don-tet-trung-thu-20230913163908541.htm