Lãng phí năng lượng, nhiều doanh nghiệp tự đánh mất tính cạnh tranh
Chi phí năng lượng cho sản xuất quá lớn làm giá thành sản phẩm tăng lên khiến doanh nghiệp mất đi tính cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt là khối các doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng luyện kim…Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp có những thời điểm chiếm hơn 60% giá thành của sản phẩm.
Nguyên nhân là do nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực trên còn đang sử dụng những máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, không hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng bên cạnh việc hạn chế về năng lực tài chính để có thể chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu bằng dây chuyền mới hiệu quả về mặt năng lượng hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc kinh doanh Công ty Bê tông ASEAN (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nhờ thay đổi dây chuyền lọc rửa, pha trộn tuần hoàn và khép kín, công ty đã giảm được 40% sản lượng điện tiêu thụ so với trước. Cùng với đó, nhân công cũng giảm được đáng kể và còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Trước kia DN dùng thiết bị cũ hoạt động độc lập lại điều khiển thủ công nên cần nhiều nhân công. Dây chuyền không tuần hoàn khiến việc ngắt nghỉ, khởi động hệ thống diễn ra nhiều lần trong ngày làm chi phí cho mỗi mẻ trộn rất lớn, từ đó ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm. Khi mạnh dạn đầu tư, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, giá thành bê tông giảm đáng kể đã thu hút được thêm nhiều đối tác mới. Giải bài toán tiết kiệm năng lượng thực sự có hiệu quả”, ông Thắng cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty mộc Hà Tiền (Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội) chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng lại tự chủ động nghiên cứu, tự chế tạo máy móc chế tác sản phẩm gỗ đúng theo nhu cầu sản xuất, tránh lãng phí công năng.
Ngoài cải tiến thiết bị, DN này còn sử dụng nhiều giải pháp tiết kiệm khác như lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho chiếu sáng và thông gió, nâng cao ý thức người lao động khi vận hành thiết bị sử dụng điện. Kết quả điện năng tiêu tụ giảm đến 45% và số tiền điện tiết kiệm lên tới gần nửa tỷ đồng mỗi năm.
Tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/3/2019 về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 nêu rõ: Mục tiêu cụ thể đặt ra là phải tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi. Bộ Công Thương cũng cho biết, giai đoạn 2006 - 2015, Việt Nam tiết kiệm khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE – tons of oil equivalent) tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhận định, để tổ chức thực hiện được mục tiêu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, sự vào cuộc của chính quyền các cấp ở địa phương (UBND các cấp) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, cần phải căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để giao kế hoạch (phân bổ) cụ thể và gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau, căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư...
Như vậy, về mặt khoa học có thể phân bổ mục tiêu tiết kiệm 8 – 10% của cả nước cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng với các địa phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố và gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu đã được thống nhất xác định.
"Cần thực hiện song song nhiều giải pháp. Cụ thể, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể; xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội/cộng đồng, nội quy, quy định về hành vi sử dụng điện/năng lượng trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…", ông Kim nói.
Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp hợp lý là xây dựng và vận hành Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quỹ sẽ là nơi cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, thủ tục thông thoáng nhằm hỗ trợ tài chính cho DN đổi mới công nghệ, thay thế máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường...
Cùng với đó, các DN vẫn phải luôn chủ động có giải pháp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, vì giải pháp này không tốn nhiều chi phí đầu tư. Từng bước thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng thiết bị mới có khả năng tiết kiệm điện. Ưu tiên sử dụng hệ thống đèn led tại các dây chuyền sản xuất, nhà kho, nhà xưởng,…những điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần cùng toàn xã hội thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.