Lãng phí tài sản công: Có nơi kinh phí thuê xe 1 năm bằng tiền mua mới 1 chiếc xe

Tại phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, nhiều đại biểu đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua đã ban hành nhiều quy định khá cụ thể về định mức để làm cơ sở chi tiêu, quản lý ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy những tiêu chuẩn, định mức khi không còn phù hợp, xa rời thực tế sẽ cản trở, gây khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ, gây lãng phí, thất thoát.

Về tình trạng lãng phí tài sản công qua giám sát tại địa phương, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn TP.HCM cho rằng, nguyên nhân là do những khoảng trống trong pháp luật. Có nhiều nhà đất công chưa đủ điều kiện để đưa vào phương án sắp xếp do còn vướng về pháp lý, phải để trống mà không thể cho thuê. Do đó, không thể sử dụng, khai thác và lãng phí một nguồn thu từ khối tài sản này.

Hay theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt; đề án liên doanh, liên kết phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Trong khi đó, việc áp dụng quy định này tại các địa phương là hết sức khó khăn.

Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Việc áp dụng các quy định này gặp khó khăn ở các địa phương có nhiều đơn vị sự nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1.800 đơn vị. Nhiều trường học chỉ có nhu cầu cho thuê căng tin, bãi xe nhưng phải làm thủ tục định giá đất, xác định giá cho thuê ban đầu và lập đề án trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Quá trình xây dựng đề án phát sinh một vấn đề, đó là khi thực hiện theo quy định mới, đơn vị sự nghiệp phải đóng thuế, giá đất ở nhiều quận nội thành cao nên giá cho thuê cao, dẫn đến chi phí giữ xe cho học sinh và giá thức uống trong các trường học cũng tăng cao, vì vậy khó có đơn vị trúng thầu.”

Dẫn chứng việc các quy định, tiêu chuẩn, định mức không còn phù hợp với thực tiễn, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu lên bất cập trong việc bố trí xe công phục vụ công tác. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bị động trong việc bố trí xe công tác, nhất là các tỉnh có nhiều huyện miền núi, có địa hình phức tạp nhưng không được bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung, phải đi thuê xe thường xuyên, rất tốn kém.

Ông DƯƠNG VĂN PHƯỚC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Mỗi nơi quy định một khác, có nơi kinh phí thuê xe trong 1 năm bằng tiền mua mới một chiếc xe. Ví dụ ở Quảng Nam, với địa bàn rộng, trong đó có 9 huyện miền núi, giao thông đi lại rất khó khăn, nếu tính chi phí cho ô tô công thì mất khoảng 700 - 800 ngàn đồng cho một chuyến đi công tác, nhưng nếu thuê xe thì phải mất 2 đến 3 triệu đồng/chuyến/ngày, đã không tiết kiệm, gây lãng phí lại còn rất bất tiện. Tôi đề nghị nâng định mức xe ô tô phục vụ công tác. Việc đề nghị bố trí thêm xe công tưởng chừng như một nghịch lý nhưng lại rất hợp lý, bởi đây là một bài toán chi phí hợp lý, nó tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở.”

Trước sự lãng phí tài sản nhà nước gây thất thoát ngân sách, một số đại biểu đề nghị cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng ngân sách một cách phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực đã được quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông NGUYỄN TẠO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Nhằm phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong công tác mua sắm tài sản công, đặc biệt trong công tác mua sắm thiết bị y tế, giáo dục và dạy nghề hiện nay, tôi có một suy nghĩ là nên mạnh dạn đề xuất tổ chức, thành lập cơ quan mua sắm tài sản công thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động mang tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, trên nguyên tắc bộ máy tinh, gọn, hiệu quả, không làm phát sinh thêm biên chế.”

Tham gia thảo luận, các đại biểu cho biết, qua giám sát tại Phú Thọ, nhiều đơn vị thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã được tỉnh bố trí vị trí đất mới ở vị trí đẹp hơn, diện tích rộng hơn để xây dựng trụ sở làm việc, trụ sở mới đã đi vào hoạt động nhưng nhà đất ở vị trí cũ chưa bàn giao cho tỉnh quản lý.

Tại thành phố Việt Trì, hiện còn 22 cơ sở là trụ sở đất công đều ở những vị trí đất vàng, có giá trị rất cao nhưng hiện nay không sử dụng, gây lãng phí lớn về tài sản của Nhà nước. Đại biểu đề nghị, các bộ, ngành phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các cơ sở nhà đất do các cơ quan trung ương quản lý không sử dụng về địa phương để các địa phương có phương án quản lý và sử dụng hiệu quả.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lang-phi-tai-san-cong-co-noi-kinh-phi-thue-xe-1-nam-bang-tien-mua-moi-1-chiec-xe