Làng Quảng Ích có phố Đầm
Nằm trên vùng đất xã Xuân Thiên (Thọ Xuân), làng Quảng Ích ban đầu là điểm dừng chân của những người buôn bán trên bến dưới thuyền, dần dần 'đất lành chim đậu' nhiều người đã đến định cư. Cũng bởi vì thế mà ở đây hội tụ đủ màu sắc, kiến trúc của những công trình văn hóa tâm linh, những dãy nhà cổ của các thương gia xưa.

Những ngôi nhà cổ ở phố Đầm, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân).
Tấp nập một thời
Xuân Thiên vốn như hòn đảo nhỏ được sông nước bao quanh, phía trước có sông Chu, phía sau dựa vào đồn Dồn, đồn Thị; có hón Quế, hón Thiên ôm lấy cánh đồng, cánh bãi. Đứng trên cao nhìn xuống là xóm làng trù phú, ruộng đồng xanh mướt, sông nước giao nhau như thành trì tự nhiên. Thật xứng với hai chữ Xuân Thiên (Trời Xuân).
Theo Lịch sử xã Xuân Thiên (NXB Thanh Hóa, 2007): Từ năm 938, khi Ngô Quyền từ Châu Ái kéo quân ra Bắc đánh dẹp Kiều Công Tiễn thì đất Xuân Thiên đã có người ở... Theo quy định của triều đình lúc bấy giờ những cụm dân cư nhỏ lẻ gọi là kẻ. Do Xuân Thiên có nhiều đầm lạch nên gọi là kẻ Đầm.
Với lợi thế “nhất cận lộ, nhị cận giang”, vùng đất cổ Xuân Thiên là nơi tụ cư sớm của các dòng họ. Thế kỷ X, các dòng họ Đinh, Lê, Trần, Phạm, Trịnh... đã đến đây. Sau này, từ năm 1430 đến 1800, các dòng họ công thần nhà Lê như: Ngô Doãn, Lê Đình, Lê Huy, Lê Văn, Lê Bá, Trịnh Huy... tiếp tục về đây cư trú, khai phá đất đai, xây dựng làng xã.
Khoảng năm 1852, khi chợ Đầm buôn bán ngày càng sầm uất thì các dòng họ khác ở Hào Kiệt (Nam Định); Quang Âm, Bình Lục (Hà Nam); Lâm Thao (Phú Thọ); Thạch Hà (Hà Tĩnh) và cả người Thái Lan, Trung Quốc di cư đến làm nhà xung quanh chợ để buôn bán, tạo thành quần thể ngày càng đông đúc.
Do sông nước bao quanh, phù sa bồi đắp nên đồng bãi phì nhiêu, màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Nhưng người dân Xuân Thiên không chỉ làm nông nghiệp, họ còn phát triển nghề đánh cá; kéo lưới; làm nghề thủ công như đan thuyền thúng; đổi trại (đưa sản vật của miền xuôi lên miền núi đổi lấy lâm, thổ sản). Người có vốn lớn thì mở các cửa hàng, cửa hiệu, như hiệu Nam Đồng Ích, hiệu thuốc Nam Ích Long, hiệu thuốc Bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu nhuộm Tân Mỹ, hiệu vàng Tấn Long... Phi thương bất phú, vì thế mà so với các xã lân cận, Xuân Thiên tấp nập và giàu có hơn nhiều.
Về làng Quảng Ích
Ngày nay về Xuân Thiên, bất cứ ai cũng muốn đến thăm phố Đầm nổi danh một thời trên đất làng Quảng Ích. Lý giải về tên gọi phố Đầm, những người dân đang sinh sống khẳng định rằng: Bấy giờ có một số ma-đam là vợ các công chức người Pháp về đây mở các cửa hiệu buôn bán, chủ yếu là mua các mặt hàng nông sản, lâm sản, dược liệu quý chuyển về Pháp. Cũng từ đây có tên là phố Đầm, chữ đầm là gọi chệch của hai chữ “ma-đam” nghĩa là phố có cửa hiệu của các bà đầm.

Đình làng Quảng Ích.
Phố Đầm được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với lối kiến trúc Á - Âu khá độc đáo, tạo nên bộ mặt phố phường đông đúc, sầm uất, nổi tiếng xa gần. Đó là nhà thờ chi họ Nguyễn, gốc họ Ngô do cụ tổ ông Việt xây dựng cách đây hơn 100 năm đang được bà Cao Thị Đức – cháu dâu của dòng họ trông coi, thờ tự tổ tiên. Ngôi nhà đã qua 7 đời con cháu chi họ Nguyễn sinh sống nhưng vẫn giữ nguyên vẹn theo kiến trúc cổ. Nhà được xây dựng với kiến trúc hai tầng mái đỏ, tọa lạc trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông. Trần nhà được làm bằng gỗ lim, qua những biến thiên của thời gian vẫn không bị mối mọt. Rồi ngôi nhà cấp 4 là của gia đình ông Vũ Văn Tuân được xây dựng từ năm 1930... Mặc dù đã gần 100 năm nhưng vẫn còn chắc chắn. Những ngôi nhà được phủ màu thời gian khiến ai ngắm nhìn cũng man mác tiếc nhớ.
Ở đây còn có chùa Đầm (Quảng Phúc tự), được xây dựng từ thế kỷ XIV. Ngoài thờ Phật, người dân còn hương khói cho những người có công hộ quốc yên dân được suy tôn là Thành hoàng làng... Trong đó có tướng quân Trần Lựu – khai quốc công thần nhà Lê. Ông quê ở làng Lỗ Tự, huyện Thượng Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa), theo tiếng gọi của Lê Lợi ông đã đưa cả gia đình về đây sinh sống. Cả cuộc đời ông gắn với binh nghiệp, từ một vị tướng tài có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông đã kinh qua 4 đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Chùa Đầm hiện nay còn lưu giữ được nhiều pho tượng quý và 2 bức cuốn thư truyền rằng Lê Thánh Tông, Lê Nhân Tông bàn về đạo Phật khi thăm chùa trong một dịp về bái yết sơn lăng.
Ngoài ra đình làng Quảng Ích sau thời gian bị phá bỏ, Nhân dân đã công đức để tôn tạo xây dựng lại. Trông coi nơi này hơn 30 năm, hai bà Nguyễn Thị Nhân (86 tuổi) và Bùi Thị Quy (81 tuổi) kể với chúng tôi hành trình dựng lại đình với bao khó khăn. “Cũng nhờ các cụ phù hộ mà người làng Quảng Ích có nơi thờ cúng linh thiêng”, bà Nhân chia sẻ.
Ngoài ra, làng Quảng Ích còn giữ gìn được nhiều lễ hội truyền thống bên cạnh nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như đua thuyền, múa sư tử, cờ người, bài điếm... Hằng năm, lễ hội đua thuyền làng Quảng Ích được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch thu hút rất đông bà con trong và ngoài làng. “Tham gia hội đua thuyền thường có 3 đội, mỗi đội có 10 vận động viên, thi chèo thuyền 2 vòng với hơn 1km trên sông. Song song với lễ hội đua thuyền thì người dân tổ chức hát quan họ trên sông Chu”, bà Phạm Thị Khuyên, Trưởng thôn Quảng Ích 2, làng Quảng Ích, cho biết.
Vui là thế, hấp dẫn là thế nên người phố Đầm đến nay vẫn còn lan truyền câu ca dao: “Nước sông Chu vừa trong vừa mát/ Đường phố Đầm lắm cát dễ đi”; “Chợ Đầm một tháng 6 phiên/ Những cô hàng xén cười duyên bán hàng”; “Trai phố Bái, gái phố Đầm”... như lời mời gọi mọi người về với mảnh đất đẹp tươi này.
Ngày nay, về phố Đầm dẫu không còn cảnh tấp nập buôn bán, các hiệu buôn và nghề truyền thống cũng đã không còn, nhưng phảng phất sau những ngôi nhà màu vàng là cả di sản văn hóa lịch sử đất và người nơi đây. Qua hàng trăm năm đấu tranh sinh tồn và xây dựng, Nhân dân vùng đất kẻ Đầm, Đàm Thi (Xuân Thiên ngày nay) nói chung và người dân Quảng Ích ngoan cường bên dòng Chu giang.
Theo ông Ngô Doãn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên: Những năm 70 thế kỷ XX, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung phổ biến ở phố Đầm. Đến nay, chỉ còn 17 ngôi nhà giữ được gần nguyên dáng cổ xưa mang nét kiến trúc hai tầng mái đỏ, được xây bằng tường gạch nung vữa vôi, mái ngói đất sét nung, mát vào mùa hè, ấm áp mùa đông và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, do tác động của thời gian cùng sự xuống cấp mà nhiều gia đình đã sửa chữa để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày trên cơ sở giữ gìn nguyên trạng kiến trúc ngôi nhà. Năm 2020, phố Đầm được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa phát huy hết được giá trị di sản, kết nối du lịch vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn.
Đến làng Quảng Ích đi dạo một vòng quanh làng, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, điều tôi băn khoăn là tại sao với kiến trúc độc đáo cùng dư âm vang bóng một thời nhưng phố Đầm vẫn lặng lẽ nép mình bên bờ sông Chu? Và hơn hết là nỗi lo lắng, liệu rằng vài năm nữa, những ngôi nhà cổ này có còn gắng gượng chống trọi với thời gian và nắng mưa?.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-quang-ich-nbsp-co-pho-dam-37322.htm