Làng Quê – mùa hoa gạo đỏ nhớ thương

Hoa gạo đỏ ở miền Bắc nước ta có nơi gọi là hoa mộc miên, hoa hồng miên, còn Tây Nguyên gọi hoa pơ-lăng. Đó là loài hoa của làng quê, mộc mạc nhưng kiêu sa thắp lửa giữa trời, khó có loài hoa nào có màu đỏ rực rỡ hơn hoa gạo.

Hoa gạo ven suối Yến. Ảnh do tác giả cung cấp.

Mùa hoa thương nhớ
Bây giờ đang giữa tháng 3 âm lịch cữ rét nàng Bân cuối mùa, những cây gạo bên bờ suối Yến -Chùa Hương, như tích thêm cái gió, cái rét để chờ nắng cuối xuân , đầu hạ bừng lên sắc đỏ giữa nền trời, giữa sắc xuân xanh của cây lá miền núi rừng Hương Tích.

Chùa Hương là một quần thể những di tích và danh lam thắng cảnh thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nổi tiếng là một ngôi chùa linh thiêng, điểm đến du lịch tâm linh ở Hà Nội được nhiều người trong nước và ngoài nước biết đến. Từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Tư âm lịch là mùa trẩy hội chùa Hương.
Sau đại dịch Covid 19, mùa du lịch năm nay chùa Hương lại đông khách thăm quan. Những con thuyền lại xuôi ngược giăng giăng theo dòng suối Yến, thuyền đi giữa đôi bờ mướt xanh sóng lúa đương thì con gái.

Xa hơn trên nền xanh cây lá rừng Hương Tích, những cây gạo đỏ dọc bờ suối Yến vươn cao giữa trời, kiêu hãnh khoe màu hoa đỏ thắm, buông hình xuống suối xanh. Chợt lòng tôi thương nhớ làng quê, nhớ những mùa hoa gao đỏ của tuổi thơ ở làng. Khi đi xa bao giờ những chúng tôi, cũng nhớ làng quê, nhớ mùa hoa đỏ của cây gạo cổ thụ bên bến sông Hồng.

Cây gạo của làng tôi cũng như cây đa, cây đề cổ thụ ở sân đình, sân chùa, khác chăng vì định kiến “ thần cây đa, ma cây gạo” nên cây đa cây đề thì được trồng trong sân chùa cổ kính, còn cây gạo thì thường đứng lẻ loi nơi cuối làng, nơi bến sông đầu gió. Là cây cổ thụ nên gốc gạo làng tôi theo năm tháng sù sì phình ra, cành ngọn vươn cao, nhưng khẳng khiu suốt cả mùa đông tháng giá, tích nhựa, tích gió mưa, để đến độ cuối Xuân, cành cây mới bật ra những nụ hoa, rồi chỉ qua vài đêm cây bung ra cả mùa hoa kiêu sa như thắp lửa tầng không.

Chúng tôi đi xa, khi về làng vào tháng Ba, từ bên này bến sông đã nhìn thấy màu hoa đỏ của cây gạo làng mình như đứng đợi. Từ làng quê ra phố, bây giờ chúng tôi đã là dân đô thị, nhưng màu hoa gạo đỏ rực rỡ cuối Xuân, vẫn mãi gieo trong nỗi nhớ làng quê. Các con tôi sinh ra ở phố, ít khi bọn trẻ được về làng vào mùa hoa gạo nở, nên không thể cảm nhận hết màu hoa đỏ của làng quê thương mến.
Ước mơ những mùa hoa gạo đỏ sẽ bừng lên như mùa hoa Anh đào của xứ sở Phù Tang

Đường hoa gạo giữa phố khu đô thị ParkCity Hanoi. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tôi cũng nhiều lần sang thăm con gái ở Tô kyo, xứ sở hoa Anh đào vào mùa hoa rực rỡ. Những thân cành khẳng khiu cây tích nhựa suốt cả mùa đông xứ lạnh, để đến khi xuân về, thì bung ra triệu triệu những bông hoa làm nên mùa xuân rực rỡ của xứ sở Phù Tang. Trong sắc trắng, sắc hồng của hoa Anh đào, rất đẹp, rất quyến rũ, nhưng theo tôi không thể sánh được với màu đỏ rực rỡ, kiêu sa của những cây gạo cổ thụ ở làng quê Việt Nam.

Tôi chợt nghĩ, nếu những cây gạo được trồng lẻ loi, đơn côi bên bờ sông, nơi cuối làng trước đây, nay được trồng thành vườn, thành hàng hoa, đường hoa trên phố, màu đỏ rực rỡ ấy, sẽ tạo nên một sắc hoa đặc sắc của Việt Nam, làm nên sức cuốn hút du khách chẳng kém gì mùa hoa Anh đào của xứ Phù Tang.

Ước mơ của tôi năm nào nay đã thành hiện thực. Tháng ba này, khi mùa hoa gạo nở, đến khu đô thị ParkCity Hanoi, phường La Khê, quận Hà Đông, ngoài sắc vàng rực rỡ của hoa phong linh, trên đường phố còn có hàng hoa gạo đỏ thắm cuối Xuân. Thế là người Hà Nội lại có thêm một điểm du lịch mới, mọi người cùng về đây, để ngắm hoa gạo đỏ, thương nhớ làng quê và để chụp những bức ảnh đẹp hoa gạo đỏ thắm trời, đỏ thắm đường phố mới.

Nghiêm Thị Hằng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lang-que-mua-hoa-gao-do-nho-thuong-a18483.html