Làng rắn lao đao vì không có...đầu ra !
PTĐT -'Chưa bao giờ con rắn lại bí đầu ra như bây giờ. Từ năm 2003 đến nay làng rắn chúng tôi lại mới gặp một trận lao đao như vậy'. Ông Nguyễn Hữu Thuật- Trưởng làng nghề nuôi rắn xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao than thở với chúng tôi khi vào chuyện!
Theo ông Thuật, hiện làng nghề đang còn trên 300 hộ nuôi rắn thương phẩm, rắn giống nhưng ngày càng teo tóp vì không có ...đầu ra! Làng nghề nuôi rắn Tứ Xã được hình thành từ những năm 1992-1993, sau một thời gian phát triển mạnh thì được công nhận làng nghề vào năm 2007, khi đó cả làng có trên 400 hộ nuôi rắn. Thời điểm thịnh nhất vào quãng năm 2010 trở về trước, mỗi năm làng xuất hàng trăm tấn rắn đi Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn... để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Sở dĩ thị trường Trung Quốc tiêu thụ nhiều rắn vì sở thích và văn hóa ăn thịt rắn, chế biến các món từ rắn của họ đa dạng, thậm chí đám cưới cũng ăn thịt rắn, có đám cưới ăn hàng tấn thịt rắn. Không chỉ nuôi thương phẩm, vào những năm 2013- 2014, khi nắm được bí quyết, người dân còn nuôi rắn sinh sản để xuất trứng và rắn con sang Trung Quốc. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của làng nghề nuôi rắn Tứ Xã với nhiều triệu phú xuất hiện. Thời kỳ năm 2017- 2018, mỗi năm làng nghề xuất hàng trăm vạn trứng rắn đi Trung Quốc. Khi đó, thương lái cả nước, thậm chí cả người Trung Quốc cũng tìm về tận Tứ Xã để thu mua trứng rắn và rắn con...Thời đỉnh điểm, có nhà thu 700-800 triệu từ bán trứng rắn một năm. Từ nguồn vốn tích lũy, vay ngân hàng...đã hình thành nhiều hộ nuôi rắn có thương hiệu và làm giầu từ nghề. Đời sống KT-XH xã cũng đổi thay nhờ vào con rắn.
Tuy nhiên, chưa bao giờ làng rắn lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay, nhất là từ khi có dịch Covid-19. Năm 2018, một quả trứng rắn có giá 75-80 ngàn đồng, nhưng thời điểm này, thì giá tụt thê thảm. Ở Tứ Xã, rắn nuôi chủ yếu là rắn Hổ mang phì, trọng lượng khoảng 2- 3 kg là xuất, thời gian nuôi khoảng 2 năm. Thức ăn chủ yếu là gà, cá, vịt loại mua gom từ khắp nơi ở miền Bắc, trong các trại của nhà nước và tư nhân. Trước kia, cứ 4-5 ngày cho ăn một bữa, giờ thì hàng chục ngày mới cho ăn một lần vì càng cho ăn càng tốn kinh phí. Thông tin từ nhiều hộ dân, từ đầu năm 2020 tới nay, cả làng không xuất được một con nào vì thị trường... đóng băng, nhiều hộ bắt đầu lâm vào nợ nần. Hiện, làng nghề đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, chính sách, bởi lẽ hàng trăm hộ dân đang phải trả tiền cho vốn, giống, thức ăn, tiền lãi...Cả làng giờ không ai dám "gối" rắn giống, vì không biết được thị trường tới đây như thế nào. Kéo theo đó là nhân công giảm đáng kể, nguồn thu ngày càng bấp bênh. Hiện không có "chìa khóa" nào để mở những khó khăn hiện tại do nhu cầu trong nước thì ít, xuất không được bao nhiêu nên cứ tiếp tục như thế này, nghề nuôi rắn và làng nghề sẽ teo tóp dần, thậm chí đóng cửa, nhiều hộ còn lâm vào cảnh phá sản! Ông Thuật thông tin thêm: Rắn không bán được, đầu ra ngày càng bí, nhiều hộ đã phải "lãng" nghề, đi xây, làm nhôm kính và nhiều nghề khác để mưu sinh. Do đó, trước tình hình khó khăn như thế này, nhà nước và các ngân hàng nên tính toán cho giãn nợ hoặc hạ lãi xuất đối với các hộ ở làng nghề, nếu cứ tình trạng như thế này thì cũng không biết kinh tế sẽ đi về đâu". Ông Thuật kết thúc câu chuyện trong tiếng thở dài! Tiếng thở dài của ông, cũng là tiếng thở dài của hàng trăm hộ nuôi rắn của làng nghề nuôi rắn Tứ Xã những ngày này.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202007/lang-ran-lao-dao-vi-khong-codau-ra-171844