Làng rèn Tiến Lộc những ngày cuối năm
Khi người người, nhà nhà đang chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thì những người dân làng rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn đang miệt mài chạy đua với thời gian để cho ra lò những sản phẩm chất lượng, bắt mắt nhất để phục vụ khách hàng.
Những ngày này, ở làng rèn Tiến Lộc nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đi khắp nơi ở làng nghề này đâu đâu cũng rộn ràng tiếng nện sắt, tiếng búa đập nhịp nhàng.
Năm nào cũng vậy, thời gian trước Tết Nguyên đán cũng là những ngày rất tất bật với người làm nghề rèn bởi khách hàng đặt, mua sắm rất nhiều.
Bà Thiều Thị Phương, làng nghề Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Dịp Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất, số lượng người đặt rèn các loại dao để sử dụng tăng lên. Vì vậy, hàng ngày những người làm nghề ở đây đều phải bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng, kết thúc khi trời tối muộn, thậm chí phải làm cả đêm”.
Tết đến, dao chặt, thái là mặt hàng bán chạy hơn so với những mặt hàng khác như cuốc, xẻng... Với chất lượng sản phẩm uy tín, đảm bảo, sản phẩm từ nghề rèn Tiến Lộc được nhiều người ưa chuộng, tìm mua hơn.
Chỉ còn hơn chục nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, những người thợ ở làng rèn Tiến Lộc đang khẩn trương cho ra lò những sản phẩm tốt để phục vụ người dân.
Là một trong những người có thâm niên trong nghề, ông Kiều Văn Viễn, làng nghề Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc bộc bạch: “Kể từ khi còn nhỏ chúng tôi đã biết đến nghề rèn thông qua cha ông để lại. Vào ngày giáp Tết thì tất bật lắm, có ngày làm hàng trăm con dao cho khách mà vẫn không kịp. Các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn”.
Tuy vất vả, mệt nhọc nhưng đây cũng là thời gian cho người làm nghề thu hoạch cao nhất trong năm, nhiều khách hàng ở xa đặt mua về để bán buôn nên nhiều khi làm không kịp.
Ngoài nam giới ra, ở đây phụ nữ trực tiếp làm nghề rèn rất đông, công việc tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng ổn định.
Những sản phẩm được tạo ra bởi những đôi tay tài hoa, sự tỉ mỉ, mồ hôi, công sức của người thợ rèn, nó chứa đựng đầy đủ những tinh hoa, nét đặc trưng của làng rèn truyền thống này. Chính vì thế, qua hàng trăm năm, sản phẩm từ nghề rèn xã Tiến Lộc đã có mặt ở hầu hết khắp địa phương trên cả nước.
Những năm trở lại đây, hầu hết người dân làng rèn nơi đây chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc. Những chiếc máy dập thép được đầu tư tạo năng suất cao hơn nhiều nên được sử dụng phổ biến.
Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng rầm rập tiếng máy búa đập thép. Mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân lưng đẫm mồ hôi đang tất bật làm nghề với niềm hy vọng được mùa Tết, và một năm mới thương hiệu vươn thật xa hơn nữa.
Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: “Từ xưa, Tiến Lộc đã nổi tiếng với nghề rèn gắn với tên các làng: làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn. Những năm gần đây, nghề rèn đã bắt đầu du nhập vào 2 làng còn lại: Thị Trang và Xuân Hội. Hiện toàn xã có khoảng 1.600 hộ làm nghề rèn, chiếm trên 60% số hộ trong cả xã. Thời điểm này nhưng những người làm nghề ở đây vẫn đang miệt mài làm việc để kịp cung ứng ra thị trường. Nghề rèn là một trong những nghề đem lại thu nhập cao cho địa phương”. Theo dự kiến, trong thời gian tới, xã Tiến Lộc sẽ xây dựng thêm một cụm công nghiệp làng nghề mới với diện tích khoảng hơn 6ha. Trong nhiệm kỳ 2000 – 2025, Tiến Lộc sẽ đưa thương hiệu làng nghề thêm một tầm cao mới, hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/lang-ren-tien-loc-nhung-ngay-cuoi-nam/131043.htm