Lạng Sơn chuyển đổi số, phát triển du lịch nông thôn
Chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển du lịch nông thôn là những hướng đi được chú trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn trong thời gian tới.
Chuyển đổi số để "đi tắt đón đầu"
Lạng Sơn có 10 huyện, 1 thành phố với 200 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 5 phường, 14 thị trấn và 181 xã. Do diện tích rộng, địa hình phức tạp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đường biên giới dài trên 231km nên dân số thưa với mật độ 94,9 người/km2, chưa bằng 1/3 trung bình mật độ dân cư chung của cả nước.
Toàn tỉnh có gần 800.000 người, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng, năng suất lao động thấp, nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trình độ sản xuất, canh tác còn hạn chế, trình độ nhận thức chưa đồng đều.
Trong khi đó, Lạng Sơn là vùng đất địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Để thoát khỏi đói nghèo, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đặc biệt chú trọng trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy các lợi thế, tiềm năng về tự nhiên và con người nơi đây.
Nắm bắt xu thế chuyển đổi số sẽ góp phần "đi tắt đón đầu" trong phát triển kinh tế - xã hội, Lạng Sơn đã áp dụng mô hình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện với 5 trụ cột là Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Phát triển chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và Cửa khẩu số.
Chuyển đổi số phải thực hiện toàn dân, toàn diện, đồng thời và là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Công tác chuyển đổi số của chính quyền cơ sở được đẩy mạnh triển khai, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được duy trì ổn định, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã duy trì sử dụng. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số được triển khai đến toàn bộ các cơ quan nhà nước.
Lạng Sơn phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 10/01/2023 “Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2023-2025”.
Một lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết, kinh tế số nông nghiệp nông thôn tiếp tục được duy trì phát triển nhanh trên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, toàn tỉnh có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc, với 48.892 giao dịch thành công. Đặc biệt, có 227.779 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đứng thứ 3 toàn quốc.
Nhờ những nỗ lực chuyển đổi số này mà hiện nay khách hàng có thể tiếp cận, mua sản phẩm nông nghiệp của Lạng Sơn một cách dễ dàng, hơn thế việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm vô cùng thuận tiện.
Phát triển du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn được xem là hướng phát triển phù hợp với các tỉnh miền múi phía Bắc, phát huy được lợi thế thiên nhiên, các nét văn hóa đặc sắc và sản vật của địa phương.
Vì vậy UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND, ngày 06/01/2023 về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025.
Tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá, thu thập dữ liệu về hiện trạng phát triển du lịch nông thôn hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Đình Lập, Chi Lăng. Đánh giá đánh giá về cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch nông thôn, hiện trạng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.
Lạng Sơn lựa chọn 3 điểm ở thị trấn nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập; xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng và một điểm ở huyện Chi Lăng để chuẩn bị hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng nội dung tuyên truyền, xây dựng dữ liệu các địa điểm để phục vụ xúc tiến quảng bá điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.