Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tại Lạng Sơn không dễ, do đặc thù địa bàn có hoạt động giao thương sôi động với Trung Quốc luôn 'nóng' về buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả… UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, trong năm 2021, tăng cường các hoạt động BVQLNTD.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho thấy, trong 3 năm 2018-2020, chính quyền, các cơ quan chức năng tại Lạng Sơn, đã triển khai nhiều hoạt động BVQLNTD; tiếp nhận ý kiến phản ánh, giải quyết có hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng… Nhờ vậy, nhận thức của người tiêu dùng cũng như các chủ thể kinh doanh về BVQLNTD đã được nâng lên, người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm… đã ý thức cao hơn về chấp hành pháp luật BVQLNTD.
Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn là một địa phương đặc thù có các hoạt động giao thương biên giới diễn ra khá sôi động với Trung Quốc, có nhiều đường mòn, lối mở thông thương, địa hình phức tạp…, nên công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể xử lý triệt để, khiến QLNTD vẫn bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tình trạng vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa còn diễn ra khá phổ biến. Công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật BVQLNTD của các cơ quan chức năng còn chưa thực sự quyết liệt, nhiều vụ vi phạm chưa được phát hiện, xử lý để gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng còn thấp so với các vụ vi phạm được phát hiện. Lực lượng quản lý BVQLNTD còn ít và thiếu kinh nghiệm, chủ yếu là kiêm nhiệm; phương tiện, công cụ hỗ trợ, kinh phí hoạt động BVQLNTD cả ở cơ quan quản lý nhà nước và Hội BVQLNTD tỉnh Lạng Sơn còn thiếu.
Ông Liễu Anh Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn:
Bộ Công Thương cần có quy định thống nhất toàn quốc về chức năng, nhiệm vụ của Hội BVQLNTD; giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí cho Hội BVQLNTD Việt Nam thực hiện vai trò tập hợp, điều phối, hướng dẫn hoạt động chuyên môn cho các Hội BVQLNTD địa phương.
Các hoạt động tuyên truyền pháp luật về BVQLNTD của các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện còn chưa thiết thực. Nhận thức của người tiêu dùng trong mua bán sản phẩm, hàng hóa tự bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa cao, chưa mạnh dạn phản ánh tới cơ quan chức năng vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh làm tổn hại đến người tiêu dùng, chưa ý thức hết được quyền của mình đối với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để khiếu nại, thậm chí ngại đụng chạm. Sự am hiểu của các tổ chức, cá nhân trong phòng chống, ngăn chặn hàng kém chất lượng và gian lận thương mại còn hạn chế, trong khi một số nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiếu thiện chí, gian lận....
Từ thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021”, nhằm khuyến khích kinh doanh có trách nhiệm, tiêu dùng bền vững; tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác BVQLNTD trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh; kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào BVQLNTD.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Liễu Anh Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn - cho biết, các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021” trên địa bàn sẽ được tổ chức tập trung trong tháng 3/2021 (tháng cao điểm) và kéo dài hết tháng 5/2021, với các hoạt động như: treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tời rơi tuyên truyền về Ngày BVQLNTD; xây dựng phóng sự tuyên truyền hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, tiêu dùng bền vững để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới công chúng và các chủ thể liên quan...
Về lâu dài, theo ông Liễu Anh Minh, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVQLNTD tới mọi tầng lớp nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức phòng, chống, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Tập huấn cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, các ban quản lý chợ… về công tác BVQLNTD. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải của các đơn vị thực hiện tư vấn pháp luật, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện công tác BVQLNTD; vận động nhân dân cam kết không tham gia, không tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân ở địa phương khác đến tham gia hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn các huyện khu vực biên giới. Kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác BVQLNTD.