Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Lạng Sơn đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách, với nhiều lợi thế phát triển du lịch theo hướng khai thác tiềm năng văn hóa truyền thống.

Gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch

Từ nhiều năm nay, các địa danh như: Nhị Thanh, Tam Thanh, Đền Kỳ Cùng, chợ Kỳ Lừa,… luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch cả nước, đặc biệt đối với người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Các hoạt động tham quan du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng ở Lạng Sơn tập trung chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu di tích chiến thắng Đường 4…

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây với lợi thế sẵn có, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đến việc phát triển loại hình du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử bởi đây là loại hình du lịch ngày càng thu hút du khách tìm hiểu về văn hóa bản địa.

Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện một số tiểu dự án thành phần.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc: Truyền dạy các kiến thức, thực hành trình diễn một số loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian và được đầu tư trang phục, dụng cụ phục vụ sinh hoạt và biểu diễn... góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 Lạng Sơn đã thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc

Lạng Sơn đã thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc

Cùng với đó, 11 huyện, thành phố đã xây dựng chính sách và hỗ trợ cho 19 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số; hỗ trợ hoạt động cho 140 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ Ngày hội thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số tại huyện Đình Lập và Bắc Sơn năm 2023; hỗ trợ đầu tư 18 bộ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nổi bật như trên địa bàn huyện Cao Lộc trong khoảng 2 năm qua đã nâng lên tổng số hơn 50 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ với khoảng 15 đến 30 hội viên tham gia mỗi câu lạc bộ.

Bà Hà Thị Trinh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Để tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, đội văn nghệ hoạt động, huyện chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, mua sắm trang thiết bị... Hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã và đang lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Các hoạt động của dự án đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước tạo đà cho du lịch phát triển” - bà Trinh khẳnh định.

Tạo đà cho phát triển du lịch

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 139 di tích được xếp hạng các cấp; hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc; hơn 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Việc thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch, còn tạo nên những sản phẩm du lịch mới vô cùng hấp dẫn như: Du lịch trải nghiệm nông nghiệp văn hóa tại Bắc Quỳnh (Bắc Sơn); du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Yên Thịnh (Hữu Lũng); du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái trải nghiệm.

 Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là 1 trong những lễ hội lớn với đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là 1 trong những lễ hội lớn với đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn

Việc ra đời các sản phẩm du lịch mới đã và đang góp phần nâng cao nhận thức làm du lịch của người dân. Điển hình như, huyện Chi Lăng đã tập trung xây dựng và khai thác 2 tuyến du lịch chính: du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh và du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái trải nghiệm. Năm 2023, huyện Chi Lăng đã đón gần 360.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 10% so với năm 2022.

Lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng cho biết, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền Dự án 6 bằng nhiều hình thức, huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh việc khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Một số mô hình phát triển du lịch văn hóa đã hình thành và được các đơn vị tổ chức hiệu quả, tiêu biểu; hàng loạt sự kiện văn hóa du lịch, lễ hội lớn đã được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh và thu hút rất đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn.

Từng tham gia Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn 2023, bà Nông Khánh Linh, người dân thành phố Lạng Sơn hào hứng cho biết: Bà thấy các lễ hội hàng năm rất ý nghĩa, góp phần khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc qua các bộ trang phục truyền thống, hay qua những ẩm thực nổi tiếng của xứ Lạng để đông đảo du khách biết tới.

“Lễ hội là tổng hòa của nhiều cảm xúc trong mỗi người dân xứ Lạng, bởi chúng tôi cảm thấy tự hào khi bản sắc dân tộc được gìn giữ, qua đó mỗi cá nhân thêm trân trọng, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa” - bà Khánh Linh bộc bạch.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, thông qua du lịch, các nét đẹp văn hóa truyền thống của Lạng Sơn được giới thiệu với người dân trong nước và khách quốc tế, hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy; đồng thời nguồn thu từ hoạt động du lịch cũng góp phần bổ sung kinh phí cho công tác tác này tại các điểm đón khách du lịch.

Tỉnh Lạng Sơn đang quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang cũng như nâng cấp hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch tại các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa,… để mỗi di tích luôn là một điểm đến “Xanh, sạch, đẹp, trong lành, an toàn” đúng với thông điệp phát triển du lịch hiện nay của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các du khách trong và ngoài nước” - đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022; thu nhập từ lĩnh vực du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng; tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp vào thành công đó, Dự án 6 được triển khai trên địa bàn đã và đang trở thành động lực phát triển du lịch; góp phần mang lại thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội xứ Lạng.

Hà Chi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-dua-di-tich-lich-su-van-hoa-thanh-san-pham-du-lich-ben-vung-355651.html