Lạng Sơn ghi nhận nhiều trường hợp rắn độc cắn trong thời tiết nồm

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện lý tưởng để loài các loài côn trùng, bò sát gây hại phát triển, đặc biệt là các loại rắn độc. Gần 1 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận điều trị khá nhiều trường hợp bị rắn độc cắn.

Các trường hợp nhập viện đều có các triệu chứng bầm tím, sưng nề vùng da bị rắn cắn, trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng. Một bệnh nhân 18 tuổi, bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào gót bàn chân trái khiến vùng sưng nề lan rộng tới cẳng chân và có biểu hiện rối loạn đông máu cấp; hay bệnh nhân 78 tuổi, bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón 4 bàn tay phải, vị trí vết cắn bị hoại tử...

Bệnh nhân bị rắn hổ mang bành cắn vào tay

Bệnh nhân bị rắn hổ mang bành cắn vào tay

Hầu hết các trường hợp này đều bị rắn cắn tại nhà. Bác sỹ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nọc rắn gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do rối loạn đông máu nặng, hoại tử, tiêu cơ, suy thận cấp... Nếu nạn nhân không được đưa đến các cơ sở Y tế, điều trị, cấp cứu kịp thời có thể có nguy cơ tử vong.

Hiện đang là mùa sinh sản của rắn nên chúng có xu hướng bò vào nhà để tìm nơi khô thoáng, nhiệt độ tương đối ổn định. Đề phòng ngừa rắn cắn, người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà. Nếu đi ra vườn, ruộng, đi rừng... nên đi ủng, giày cao cổ, đội mũ rộng vành và mặc quần áo dày, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.

Khi gặp rắn, không đe dọa bắt rắn; không đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Đặc biệt, cần hướng dẫn và coi sóc trẻ em; không để trẻ chơi gần nơi rắn thường cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, chuồng nuôi gia súc, gia cầm của gia đình./.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/lang-son-ghi-nhan-nhieu-truong-hop-ran-doc-can-trong-thoi-tiet-nom-post1016044.vov